Đầu giờ sáng này theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 35 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 73,32 USD/thùng, sau khi giảm gần 12% trong tuần trước, mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 37 xu Mỹ, hay 0,6%, lên 67,11 USD/thùng, sau khi giảm 13% trong tuần vừa qua, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2022.
Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS ngày 19/3 đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD trong một thỏa thuận được dự đoán sẽ khép lại vào năm 2023. Theo đó, UBS sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sỹ (3,25 tỷ USD) và tiếp quản khoản lỗ lên đến 5,4 tỷ USD.
Vài giờ sau khi UBS và Credit Suisse đạt được thỏa thuận trên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương các nước Canada, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ thông báo sẽ phối hợp để nâng cao khả năng tiếp cận thanh khoản cho các ngân hàng, bằng cách thúc đẩy nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ, giúp các ngân hàng trung ương khác ngoài Fed được tiếp cận đồng USD dễ dàng hơn.
Chuyên gia phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho rằng các diễn biến nói trên đang giúp lấy lại niềm tin của thị trường, khiến các loại tài sản rủi ro có phần khởi sắc, trong đó có thị trường dầu thô. Chuyên gia này dự đoán đà khởi sắc này có thể còn kéo dài nếu Fed “hạ giọng” về việc nâng lãi suất.
Giới đầu tư đang dự đoán xác suất Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 22/3 tới là 60%. Trong khi đó, nhiều ý kiến lại kêu gọi Fed tạm thời dừng thắt chặt chính sách tiền tệ ở thời điểm này.
Việc dừng hay giảm tốc độ nâng lãi suất có thể đẩy giá đồng USD xuống, khiến các loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như dầu trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Trong một diễn biến có liên quan, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent sau khi giá giảm mạnh trước những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng và khả năng suy thoái kinh tế.