Chiều 22/5, các thị trường đều trong xu hướng đi xuống

Trong phiên giao dịch chiều 22/5 các thị trường đều trong xu hướng đi xuống, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Minas Gerais, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch chiều 22/5, và là phiên thứ ba liên tiếp do kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất cao trong thời gian dài khi lạm phát dai dẳng.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 71 xu Mỹ (0,9%) xuống 82,17 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 73 xu Mỹ (0,9%) xuống 77,93 USD/thùng vào lúc 13 giờ 50 phút (giờ Việt Nam).

Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết, cơ quan này nên đợi thêm vài tháng nữa để đảm bảo rằng lạm phát thực sự trở lại mục tiêu 2% trước khi cắt giảm lãi suất. Chi phí đi vay tăng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ.

Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) hôm thứ Ba (21/5), dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng trong tuần trước, trong khi sản phẩm chưng cất giảm.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu dự trữ dầu mỏ hàng tuần của nước này vào cuối ngày thứ Tư (22/5).

Giá vàng giảm nhưng vẫn trên ngưỡng 2.400 USD/ounce

Chú thích ảnh
 Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng giảm nhưng dao động trên ngưỡng quan trọng 2.400 USD/ounce trong phiên giao dịch chiều 22/5, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để đoán định thời điểm cắt giảm lãi suất.

Giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 2.415,33 USD/ounce vào lúc 14 giờ 33 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng đạt mức cao kỷ lục 2.449,89 USD/ounce vào thứ Hai (20/5).

Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,3% xuống 2.419 USD/ounce.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OANDA cho biết, một trong những yếu tố hỗ trợ vàng là sự mất giá tiền tệ do Mỹ và các quốc gia phát triển thực hiện bởi thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 5/2024 của Fed sẽ được công bố vào lúc 18:00 GMT. Các nhà giao dịch đang dự kiến 64% Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.

Dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục xu hướng giảm, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng cơ quan này nên đợi thêm vài tháng nữa để đảm bảo lạm phát thực sự trở lại mục tiêu 2% trước khi cắt giảm lãi suất.

Lãi suất thấp và sự bất ổn địa chính trị khiến vàng trở thành một khoản đầu tư thuận lợi.

Chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer tại KCM Trade cho biết, vàng đã vững trên ngưỡng 2.400 USD trước bối cảnh Mỹ có khả năng nới lỏng lãi suất vào cuối năm, nhưng để đạt mức cao kỷ lục thì đồng USD hoặc lãi suất trái phiếu của Mỹ có thể phải giảm hoặc nhu cầu mua vàng bảo toàn tài sản tăng lên.

Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 27 phút phiên 22/5, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 88,90 - 90,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Thị trường chứng khoán châu Á hầu như giảm điểm

Chú thích ảnh
Màn hình điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN

Trong phiên giao dịch chiều 22/5, các nhà đầu tư chứng khoán châu Á đã gặp khó khăn trong việc vực dậy đà phục hồi gần đây trên khắp các thị trường khi họ tập trung theo dõi kết quả kinh doanh của công ty công nghệ Nvidia của Mỹ được công bố vào cuối ngày.

Chốt phiên 22/5, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,9% xuống 38.617,10 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,1% xuống 19.203,32 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) đi ngang 3.158,54 điểm.

Thị trường chứng khoán Sydney và Manila giảm nhẹ, trong khi Wellington, Đài Bắc, Mumbai và Jakarta tăng điểm, thị trường Seoul đi ngang.

Lạm phát ở Mỹ chậm lại và Trung Quốc thông báo vào tuần trước về kế hoạch hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang bị ảnh hưởng nặng nề của đất nước này đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán, nhưng lại có xu hướng giảm dần. Động lực chính tiếp theo có thể là kết quả kinh doanh từ công ty công nghệ Nvidia - công ty lớn thứ ba của Mỹ tính theo vốn hóa thị trường - đang được coi là thước đo lòng tin chung của thị trường.

Giá cổ phiếu của “gã khổng lồ” sản xuất chip này đã tăng vọt trong những năm gần đây - cổ phiếu công ty đã tăng khoảng 90% từ đầu năm 2024 đến nay.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed để đoán định được xu hướng của thị trường.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 22/5 chỉ số VN-Index giảm 10.23 điểm (0.8%), về mức 1,266.91 điểm. Ngược lại, HNX-Index tăng 1.86 điểm (0.76%), về mức 245.15 điểm.

Vân Anh (TTXVN)
TTCK ngày 22/5: Khối ngoại bán ròng mạnh, sắc đỏ lan rộng thị trường
TTCK ngày 22/5: Khối ngoại bán ròng mạnh, sắc đỏ lan rộng thị trường

Tiếp nối phiên sáng 22/5, thị trường chứng khoán (TTCK) lại tiếp tục chứng kiến khối ngoại xả hàng mạnh với gần 3.115 tỷ đồng gây áp lực lên thị trường. Theo đó, hầu hết các cổ phiếu bluechips, chủ yếu là ngành ngân hàng giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN