Vào lúc 15 giờ 47 phút ngày 20/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ít biến động và được giao dịch ở mức 1.755,84 USD/ounce. Trước đó, cũng trong phiên này, giá vàng giao ngay có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/8 là 1.741,86 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.755 USD/ounce.
Cuộc họp chính sách đang được chờ đợi của Fed sẽ bắt đầu vào ngày 21/9. Chuyên gia Daniel Briesemann của ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng cuộc họp của Fed đang "phủ bóng" lên giá vàng vì phần đông thị trường dự đoán Fed sẽ phát đi tín hiệu về kế hoạch giảm mua tài sản trong năm nay.
Theo chuyên gia này, nếu Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể thuyết phục thị trường rằng sau khi giảm mua tài sản, Fed sẽ không tăng lãi suất ngay sau đó, thì giá vàng có thể tăng lên phần nào sau cuộc họp của Fed.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt chạm mức cao nhất trong gần một tháng qua, từ đó làm giảm sức hút của vàng đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Công ty nghiên cứu Citi Research (Mỹ) dự đoán giá vàng trung bình sẽ ở mức 1.700 USD/ounce trong quý IV/2021.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,4% lên 22,47 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,9% xuống 923,29 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 36 phút ngày 20/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,15 - 56,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Quan ngại về nguy cơ sụp đổ của Evergrande, chứng khoán châu Á giảm điểm
Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục đi xuống trong phiên chiều 20/9 do những lo ngại về khả năng sụp đổ của “đế chế” bất động sản Trung Quốc Evergrande. Trong khi đó, tâm lý thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi kế hoạch rút lại chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), số ca mắc COVID-19 gia tăng và dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế toàn cầu yếu kém.
Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục dẫn dầu đà giảm trong bối cảnh Evergrande sắp đến hạn phải trả lãi của một số khoản vay và trái phiếu trong tuần này, trong đó các nhà quan sát dự kiến tập đoàn này sẽ vỡ nợ. Những bất ổn về tương lai của tập đoàn này, hiện đang ôm “bom nợ” hơn 300 tỷ USD, đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trên các sàn giao dịch, trong đó cổ phiếu của các công ty bất động sản và ngân hàng tại Hong Kong đang chứng kiến sự bán ra ồ ạt.
Chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong đã giảm 3,3% xuống 24.099,14 điểm, với giá cổ phiếu của Evergrande đã có lúc giảm gần 19% trước khi đóng cửa với mức giảm 10%. Giá cổ phiếu của công ty bất động sản New World Development giảm 12,3%, còn cổ phiếu của Henderson Land mất 13,2%.
Chỉ số bất động sản thuộc Hang Seng giảm hơn 6%, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 5/2020.
Nhà phân tích Philip Tse thuộc tổ chức nghiên cứu BOCOM International Holdings có trụ sở tại Hong Kong cảnh báo rằng xu hướng sụt giảm sẽ vẫn tiếp diễn nếu các nhà lãnh đạo không đưa ra tín hiệu rõ ràng về tương lai của Evergrande hoặc nới lỏng sự giám sát đối với lĩnh vực bất động sản. Bất chấp cuộc khủng hoảng gia tăng, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra giải pháp để ngăn chặn Evergrande khỏi phá sản.
Chứng khoán Sydney đã giảm hơn 2%, do giá quặng sắt giảm đã ảnh hưởng đến các nhà khai thác mỏ. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Singapore, Wellington, Mumbai, Manila, Bangkok và Jakarta cũng hòa chung xu hướng giảm. Còn các thị trường chứng khoán Tokyo, Thượng Hải, Seoul và Đài Bắc đóng cửa nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang theo dõi sát sao cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này, trong đó một số chuyên gia dự đoán cơ quan này có thể đưa ra thời gian biểu cho việc rút lại chương trình mua trái phiếu lớn được triển khai trong năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế và các thị trường chứng khoán.
Việc thị trường hướng sự chú ý đến các động thái rút lại hỗ trợ kinh tế diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh chóng trên thế giới, buộc một số chính phủ phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa hay những biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt khác. Trong các nước này có Trung Quốc - với tình hình dịch COVID-19 đang làm dấy lên lo ngại về tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, một động lực chính thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,16% xuống 1.350,48 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,25% lên 358,87 điểm.
Giá dầu châu Á chiều 20/9 giảm sau thông tin về các lao động tại Afghanistan
Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 20/9 sau thông tin về các lao động tại Afghanistan, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong ba tuần và số lượng giàn khoan của Mỹ tăng.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 61 xu Mỹ (0,8%) xuống 74,73 USD/thùng vào lúc 13 giờ 50 phút ngày 20/9, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 66 xu Mỹ (0,9%) xuống 71,31 USD/thùng.
Ngày 19/9, Thị trưởng tạm quyền của thủ đô Kabul (Afghanistan), ông Hamdullah Namony thông báo các nhân viên nữ làm việc cho chính quyền thành phố này sẽ ở nhà, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Phát biểu tại một buổi họp báo , người đứng chính quyền thành phố Kabul cho biết quyết định này được thực hiện theo quy định mới do Taliban ban hành. Các nhân viên nữ sẽ tạm nghỉ ở nhà cho đến khi có quyết định tiếp theo. Chỉ có một số trưởng hợp ngoại lệ nhân viên nữ tiếp tục làm các công việc mà nam giới không thể thay thế được, trong đó có những người làm việc tại các bộ phận thiết kế, kỹ thuật của thành phố và nhân viên dọn dẹp tại các nhà vệ sinh công cộng dành cho phụ nữ.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại ngân hàng ING Bank (Hà Lan) cho biết, đồng USD mạnh trong vài ngày qua đã gây ra "sóng gió" cho thị trường. ING Bank nhận định giá dầu sẽ có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Theo dữ liệu từ công ty cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes (Mỹ), sự gia tăng số lượng giàn khoan dầu của Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng đối với giá dầu. Số giàn khoan dầu khí của nước này đã tăng 9 giàn lên 512 giàn trong tuần tính đến ngày 17/9, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.