Chốt phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 548,46 điểm (2,7%) lên 20.846,18 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tăng 50,04 điểm (1,55%) lên 3.278,10 điểm.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại về triển vọng kinh tế, khi xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, Trung Quốc phong tỏa các thành phố để chống lại đợt bùng phát dịch COVID-19 mới và các ngân hàng trung ương nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong phiên 15/7, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều tăng cao hơn sau số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tháng Sáu tăng cao hơn dự kiến. Bên cạnh đó, thị trường còn nhận được hỗ trợ nhờ báo cáo kinh doanh hàng quý khả quan của ngân hàng Citigroup.
Các số liệu kinh tế mạnh mẽ đã thúc đẩy đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cao hơn. Các nhà phân tích thị trường dự kiến Fed sẽ công bố mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Các nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh mục tiêu của họ là kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, bất chấp nguy cơ cản trở tăng trưởng hoặc gây ra suy thoái.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management có trụ sở tại Thụy Sỹ, nhận định nhìn chung, số liệu tích cực của kinh tế Mỹ đã làm dịu bớt mối lo ngại về một cuộc suy thoái nhưng cũng không có khả năng củng cố kịch bản Fed sẽ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản.
Các nhà giao dịch đang theo dõi cuộc họp chính sách tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần này, với dự kiến ngân hàng này sẽ công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/7, tại Việt Nam, VN-Index giảm 2,76 điểm xuống 1.176,49 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 523,7 triệu đơn vị, tương ứng gần 11.234 tỷ đồng. Toàn sàn có 229 mã tăng giá, 209 mã giảm giá và 78 mã đứng giá.
HNX- Index tăng nhẹ 0,23 điểm lên 284,63 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 59,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.218,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 98 mã tăng giá, 82 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.