Những 'gợn sóng' nhỏ trên thị trường vàng thế giới

Thời gian gần đây thị trường vàng liên tục đón nhận nhiều tin bất ổn, từ cam kết cấm nhập khẩu vàng từ Nga của các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đến quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng của Ấn Độ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá tác động từ các động thái này đến thị trường vàng nhìn chung trong dài hạn là không lớn.

Chú thích ảnh
Vàng được trưng bày tại nhà máy Shchyolkovo của Tập đoàn kim loại quý Yuzhuralzoloto, Nga ngày 8/11/2021. Ảnh tư liệu: TASS/TTXVN

Lệnh cấm vàng Nga của G7 chủ yếu mang tính biểu tượng

Trong động thái mới nhất nhằm gia tăng sức ép lên Nga liên quan tới tình hình Ukraine, phương Tây tiến thêm một bước trong nỗ lực sử dụng các công cụ kinh tế, với sự nhất trí về lệnh cấm khẩu vàng của Nga.

Bốn quốc gia trong G7, bao gồm Anh, Mỹ, Nhật Bản và Canada, đã nhất trí cấm nhập khẩu vàng của Nga như một phần trong nỗ lực gia tăng sức ép buộc nước này phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Nga sẽ mất khoảng 19 tỷ USD xuất khẩu vàng mỗi năm do biện pháp này.

Lệnh cấm được áp dụng đối với vàng mới khai thác hoặc tinh chế và sẽ được đưa ra Quốc hội Anh thảo luận trong những tuần tới. Lệnh cấm không ảnh hưởng đến vàng có xuất xứ từ Nga được nhập khẩu trước đây và không được áp dụng đối với vàng được mua hợp pháp trước khi lệnh cấm được đưa ra.

Trong khi Chính phủ Anh cho rằng biện pháp này sẽ "có tác động toàn cầu", thì giới phân tích lại cho rằng động thái mới này sẽ không có nhiều tác động trong dài hạn, vì trên thực tế, Hiệp hội thị trường kim loại quý London (LBMA), tổ chức đặt ra các tiêu chuẩn cho thị trường vàng, hồi tháng Ba đã loại các nhà máy tinh chế vàng của Nga khỏi danh sách được công nhận vàng tiêu chuẩn quốc tế.

Nếu động thái trên của LBMA và các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng của Nga đã đóng sập cánh cửa vào hầu hết các thị trường tại Mỹ và châu Âu đối với vàng từ Nga, quốc gia khai thác kim loại quý này lớn thứ hai thế giới, thì cam kết nói trên của các nước G7 lại đánh dấu sự cắt đứt hoàn toàn giữa vàng của Nga với hai trung tâm giao dịch vàng hàng đầu thế giới là London và New York.

Tuy nhiên, ông Warren Patterson, người phụ trách chiến lược hàng hóa của công ty ING Groep NV, nhận định lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga của các nước G7 sẽ có tác động khá hạn chế, khi mà các nước đã "xa lánh" vàng của Nga từ trước đó.

Đến nay, các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa trực tiếp nhắm tới hoạt động thương mại liên quan tới vàng của Nga. Tuy nhiên, từ sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, nhiều ngân hàng, công ty luyện kim và vận chuyển quốc tế đã dừng các giao dịch liên quan đến vàng từ Nga. Vì thế, theo ông, lệnh cấm nói trên "chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng".

Tương tự, ông Jeffrey Halley - chiến lược gia thị trường cấp cao của Oanda - nhận định: "Lệnh cấm vận sẽ không tạo ra những thay đổi về mặt cấu trúc đối với triển vọng của giá vàng. Trên thực tế, đó chỉ là việc chính thức hóa một lệnh cấm ngầm vốn đã được áp dụng từ lâu".

Bên cạnh đó, vàng của Nga còn có thể tìm được các bến đỗ mới ở những thị trường khác. Ông Alexander Zumpfe, chuyên gia cấp cao của công ty Heraeus Metals Germany GmbH & Co, cho biết Trung Quốc và Ấn Độ, vốn là hai trong số các nước có nhu cầu vàng lớn nhất thế giới, không phải là thành viên của G7. Vì thế, vàng của Nga có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu của các nước này.

Ông Nikolai Vavilov, chuyên gia nghiên cứu chiến lược của công ty tư vấn Total Research có trụ sở tại Nga, nhận định các công ty khai thác vàng nước này sẽ không phải tìm kiếm thị trường bên ngoài các nước G7 vì đích đến hầu hết các sản phẩm của họ là Trung Quốc và Ấn Độ. Chuyên gia Vavilov bình luận: "Ngân hàng trung ương Nga đã mua tất cả vàng cấp độ đầu tư trong những năm gần đây, và vàng cấp trang sức chủ yếu được chuyển đến Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, ngành khai thác vàng sẽ không phải tái tập trung vào doanh số bán, và dự báo của ông Antony Blinken về thiệt hại hàng năm của Nga ngày càng sai".

Chuyên gia này cho rằng thiệt hại dự kiến là nhỏ so với thiệt hại Nga đã phải đối mặt do các lệnh trừng phạt của châu Âu trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế, và khó khăn đối với chính sách trừng phạt của phương Tây là "họ đã cho rằng tất cả các hoạt động bán hàng của Nga đều tập trung vào" châu Âu. Tuy nhiên, theo ông, Trung Quốc đang tích cực phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Nga và sẽ thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới trong một vài thập kỷ nữa.

Quyết định tăng thuế của Ấn Độ cũng chỉ có tác động nhất thời

Đầu tháng này, Ấn Độ đã quyết định siết chặt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và nhập khẩu vàng nhằm ngăn chặn đà lao dốc của đồng rupee nội địa. Trong đó, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng từ mức 7,5% lên 12,5%. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đồng rupee của Ấn Độ liên tục giảm trong thời gian qua. 

Nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu vàng tại các thị trường giao ngay chủ chốt của Ấn Độ có thể sẽ không giảm nhiều trong trung đến dài hạn, bất chấp thuế nhập khẩu kim loại quý này tăng mạnh. Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng thứ hai thế giới và đáp ứng hầu hết nhu cầu vàng trong nước bằng cách nhập khẩu.

Ông Ajay Kedia, chuyên gia cấp cao của công ty cố vấn Kedia Advisory, tin rằng việc tăng thuế nhập khẩu nói trên sẽ khiến nhu cầu vàng nhất thời giảm xuống, nhưng khác với người mua trên thị trường quốc tế, hành vi mua vàng tại Ấn Độ chủ yếu bị chi phối bởi cảm xúc, thay vì giá, và thói quen này không dễ bị ảnh hưởng. Vì thế, ông nhận định: "Nhu cầu vàng trước mắt có thể giảm xuống, nhưng người dân sẽ tiếp tục mua vàng trong tương lai gần".

Tuy nhiên, ông Kedia cũng tin rằng động thái mới này của Chính phủ Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của giới đầu tư tại nước này, vì khi đầu tư vào vàng, mục tiêu của các nhà đầu tư thường là khả năng sinh lời ít nhất 8-10%. Nhưng với sự gia tăng thuế nhập khẩu nói trên, lợi nhuận thu về của các nhà đầu tư sẽ giảm xuống.

Vì thế, trong khi nhu cầu đầu tư vào vàng có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách mới nói trên, thì nhu cầu đối với vàng vật chất sẽ không bị tác động quá lớn.

Đồng quan điểm, ông Surendra Mehta thuộc Hiệp hội vàng bạc đá quý Ấn Độ (IBJA), cho rằng nhu cầu vàng có thể bị ảnh hưởng trong hai đến ba tháng đầu, nhưng sẽ không có tác động đáng kể trong dài hạn.

Như vậy, dù những diễn biến nói trên tưởng chừng là bất lợi đối với thị trường vàng, nhưng sau khi trải qua một năm ảm đạm từ trước đó, tác động từ các "gợn sóng" này là khá hạn chế. Thay vào đó, thị trường vàng sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi tình hình kinh tế vĩ mô như xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp)
Giá vàng chịu áp lực lớn trước biến động đồng USD
Giá vàng chịu áp lực lớn trước biến động đồng USD

Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa chứng kiến một tuần giao dịch tiêu cực với đa phần các phiên giảm giá. Trong bối cảnh đồng USD đang có những bước tăng mạnh, các chuyên gia dự báo giá vàng tiếp tục chịu áp lực lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN