Tại Nhật Bản, chứng khoán Tokyo tăng phiên thứ bảy liên tiếp khi sự yếu đi của đồng yen so với đồng USD giúp thúc đẩy giá cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 tăng 21,31 điểm (0,07%) lên 28.514,78 điểm. Công ty chứng khoán Iwai Cosmo Securities nhận định tâm lý thận trọng đã dịu bớt sau kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng lớn của Mỹ công bố hồi tuần trước. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán còn nhận được hỗ trợ từ sự mất giá của đồng yen.
Cùng đà tăng, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải tăng 1,42% lên 3.385,61 điểm; còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,68% lên 20.782,45 điểm.
Báo cáo kinh doanh tích cực của những ngân hàng lớn tại Mỹ đã làm giảm bớt mối lo ngại về lĩnh vực này sau tình trạng hỗn loạn vào tháng trước với việc ba ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản.
Bên cạnh đó, số liệu cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn so với ước tính tháng trước làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Ngày 14/4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh thu bán lẻ trong tháng 3 đã giảm 1% so với một tháng trước xuống 691,7 tỷ USD. Doanh số bán lẻ giảm mạnh hơn dự kiến, báo hiệu sự hạ nhiệt của nền kinh tế. Số liệu này cũng có thể thúc đẩy Fed tạm dừng chính sách tăng lãi suất đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Christopher Waller ngày 14/4 cho rằng cơ quan này nên tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát.
Theo ông Waller, trong bối cảnh các điều kiện tài chính chưa thắt chặt đáng kể, thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ và lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu, Fed cần thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay. Ông cho rằng mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới về lạm phát, nền kinh tế thực và mức độ thắt chặt các điều kiện tín dụng.
Marty Dropkin, thuộc công ty dịch vụ tài chính Fidelity International, nhận định những rắc rối của ngành ngân hàng vừa qua có thể đã được ngăn chặn nhưng vẫn có tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu.
Chuyên gia này nhận định vẫn cần thận trọng đối với chứng khoán toàn cầu, đồng thời dự đoán về những biến động ngày càng tăng trong những tháng tới, khi chi phí lao động và tài chính sẽ tăng lên và các chỉ số chu kỳ khác trở nên yếu hơn.
Chốt phiên 17/4, tại Việt Nam, VN-Index tăng 0,92 điểm lên 1.053,81 điểm. HNX-Index giảm 0,62 điểm xuống 206,63 điểm.