Cân đối nguồn lực, đảm bảo chi ngân sách trong bối cảnh COVID-19

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dự báo: Nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có thể giảm lớn, nhu cầu chi lại tăng cao trong bối cảnh dịch COVID-19, khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư... bị ảnh hưởng nặng nề. 

Chú thích ảnh
Bị ảnh hưởng lớn bởi COVID-19, ngành Dệt may đang chủ động phương án dự phòng nguồn cung nguyên liệu dệt may, da giày. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Do vậy, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi NSNN, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài. Nếu làm theo phương án này, theo tính toán của Bộ Tài chính, riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600 - 700 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, dự báo nguồn thu NSNN năm 2020 sẽ giảm do 3 yếu tố: Tăng trưởng kinh tế đạt thấp, ở mức trên dưới 5%; giá dầu thô giảm sâu; điều chỉnh chính sách thu NSNN để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh.

“Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp đang chậm cũng là rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Số thu này trong dự toán năm nay là 45.000 tỷ đồng, nhưng chưa thu được đồng nào”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Bộ Tài chính dự kiến, với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng (dự toán 60 USD/thùng), thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước không thực hiện được, thì thu NSNN ước giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách trung ương giảm khoảng 100.000 - 110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.

“Tư lệnh” ngành Tài chính nhấn mạnh, trong trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu NSNN sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics… của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Trong quý I/2020, nguồn thu NSNN đạt 391.000 tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019; thu nội địa đạt 324.700 tỷ đồng, bằng 25,7% dự toán, tăng 3,6% so cùng kỳ. Theo thống kê, hiện có 52/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 23%).

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách quý I/2020 đã thực hiện theo đúng dự toán và tiến độ triển khai. Ngân sách trung ương và địa phương đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trích 2.700 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an triển khai các hoạt động phòng chống dịch và xây dựng một số chế độ, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài gói hỗ trợ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp lên tới 180.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều quy định về miễn, giảm nhiều khoản thuế, phí dự kiến lên tới 46.000 tỷ đồng...

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: “Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến tình hình kinh tế xã hội, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành rà soát các khoản phí, lệ phí là đầu vào của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đã ban hành thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành nhiều quy định để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các đối tượng doanh nghiệp chịu nhiều tác động trực tiếp bởi dịch bệnh”.

“Trong điều kiện thu NSNN khó khăn, lại phải tăng chi để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, mặc dù quyết tâm rà soát, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhưng khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm khoảng 1,5 - 1,6% GDP (tức là ở mức 5 - 5,1% GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi NSNN năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, các địa phương cần phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý. Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. Do đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính rà soát nguồn lực của mình để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo thường trực HĐND cùng cấp theo quy định.

Đối với cân đối ngân sách trung ương, dự kiến dành 34.600 tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020, trong đó, dự kiến dành 20.000 tỷ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14.600 tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương

Minh Phương/Báo Tin tức
Nhiều thách thức với thu ngân sách nhà nước
Nhiều thách thức với thu ngân sách nhà nước

Theo Bộ Tài chính, do tác động của dịch COVID-19, thời gian tới sẽ có nhiều thách thức đặt ra cho thu ngân sách Nhà nước dù trong quý I/2020, nguồn thu tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN