Do vậy, ngành tài chính đang cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh doanh nghiệp vừa tìm các giải pháp bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt 391 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa quý I/2020 đạt 324,7 nghìn tỷ đồng, bằng 25,7% dự toán, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Tài chính cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, rượu, bia phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh vì gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, khách du lịch giảm mạnh… Điều này, đã tạo sức ép ngày càng lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt từ đầu tháng 3 đến nay.
Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 và giá dầu thô thế giới giảm mạnh. Những tính toán tác động đến tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách đang được xem xét cụ thể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, số thu nội địa quý I vẫn đảm bảo được tốc độ dự toán khi đạt 25,7% và có tăng trưởng so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ một số khoản thu phát sinh quý IV/2019 (thuế thu nhập doanh nghiệp, kết dư chi phí dầu khí…) được quyết toán và nộp trong quý theo chế độ quy định. Ước tính cả nước có 52/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán trên 23%; trong đó có 45 địa phương thu đạt trên 26% dự toán; 46/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, 17 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, thu ngân sách nhà nước quý I/2020 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 339.035 tỷ đồng, bằng 27% so với dự toán pháp lệnh, bằng 110,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, đang có dấu hiệu giảm dần do tình hình dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt là từ tháng 3/2020, số thu ngân sách đã có ảnh hưởng rõ nét, một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh. Thu thuế giá trị gia tăng trong 2 tháng đầu năm tăng 4,7%, đến tháng 3 giảm 4,5%, tính chung lũy kế 3 tháng đầu năm nay tăng 2,5%. Thu thuế tiêu thụ đặc biệt quý IV/2019 tăng 9,5% thì hai tháng đầu năm 2020 giảm 8,6%, lũy kế 3 tháng giảm 4,6%. Tương tự, thu thuế thu nhập doanh nghiệp tháng 12/2019 tăng 15,6%, tháng 1 tăng 14,2%, 2 tháng đầu năm 2020 tăng 17,1% nhưng lũy kế 3 tháng chỉ còn tăng 14%...
Trong khi đó, theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, quý I/2020, ước số thu ngân sách của toàn ngành hải quan chỉ đạt 77.000 tỷ đồng, bằng 22,78% dự toán, bằng 21,69% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giảm 7.336 tỷ đồng.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, số thu thuế xuất nhập khẩu giảm sút có nguyên nhân chính là chịu sự tác động của dịch COVID-19 khiến cho các mặt hàng xuất nhập khẩu chính giảm mạnh kéo theo số thu giảm. Kim ngạch một số dòng hàng nhập khẩu chính mang lại số thu cao bị giảm mạnh như: ô tô nguyên chiếc các loại giảm 4.692 tỷ đồng; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng giảm 1.025 tỷ đồng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1.554 tỷ đồng; sắt thép các loại giảm 515 tỷ đồng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quý tiếp theo của năm, nhiệm vụ thu ngân sách của ngành tài chính đang rất nặng nề khi năm 2020, Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước là 1.512,3 nghìn tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thuế cho rằng, với ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua, thu ngân sách khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Để bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách, theo bà Nguyễn Thị Cúc cần tăng cường tuyên truyền, động viên doanh nghiệp cố gắng đưa ra các giải pháp để vượt qua khó khăn như: hạ giá thành sản phẩm hoặc có thể chuyển đổi kinh doanh nhằm bảo đảm duy trì sản xuất.
Ông Lưu Mạnh Tưởng cũng cho biết, nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và thu ngân sách, ngành hải quan tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thông quan nhanh hàng hoá xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan quyết liệt thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan để chống thất thu.
Còn theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ (Tổng cục Thuế), để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước bù đắp thiệt hại do tác động của dịch bệnh gây ra, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện ngay các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch.
Đồng thời, Tổng cục Thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Tài chính để xây dựng và khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 với số tiền lên đến 180.000 tỷ đồng.
Tổng cục cũng phối hợp với các đơn vị trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, Quốc hội thực hiện nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đối với bản thân người nộp thuế thu nhập cá nhân và người phụ thuộc.
Tổng cục Thuế cũng triển khai đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến thu ngân sách Nhà nước, tác động đến giá dầu thô và thu ngân sách Nhà nước từ dầu, khí theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và giá dầu để báo cáo Bộ Tài chính có giải pháp chủ động trong điều hành, cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới bộ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2020. Trong số đó, tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.