Theo Tổng cục Thuế, 2020 là năm cuối ổn định ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2017 - 2020, có ý nghĩa quyết định thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách 10 năm 2011 – 2020 và 5 năm 2016 - 2020 đã đề ra của cấp có thẩm quyền.
Mặc dù việc triển khai dự toán ngân sách năm 2020 được triển khai trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, môi trường kinh doanh được cải thiện, cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch hợp lý với nòng cốt là ngành công nghiệp chế biến nhưng dự báo vẫn có nhiều khó khăn. Đó là thách thức từ mặt trái của việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư, hội nhập quốc tế liên quan đến xuất xứ hàng hóa, điều hành chính sách tiền tệ, cùng áp lực về kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,… sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam và nguồn thu NSNN.
Để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 được giao ở mức cao nhất, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách; đề nghị 16 cục thuế căn cứ số giao dự toán thu NSNN năm 2020 từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, triển khai giao nhiệm vụ ngay từ đầu năm cho các chi cục thuế để thực hiện tăng cường công tác quản lý thu, rà soát chống thất thu về số hộ kinh doanh, về doanh số nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ năm 2021, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện giao dự toán thu NSNN từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh cho 63 tỉnh, thành phố.
Do thời gian nghỉ Tết Âm lịch năm 2020 từ ngày 23/1 đến hết ngày 29/1 nên Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh thực hiện kê khai thuế kịp thời, nộp đúng, đủ số thuế phát sinh phải nộp vào ngân sách theo quy định của pháp luật.
Riêng về số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và lợi nhuận còn lại phát sinh tạm nộp của quý IV/2019, các cục thuế tập trung đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời vào NSNN trước ngày 23/1.
Tại địa bàn Hà Nội, ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: Đơn vị sẽ cụ thể hóa các chỉ đạo trên đây thành những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện. Cục thuế Hà Nội đã giao dự toán cho từng phòng, từng chi cục thuế, từng đội thuế; thực hiện giám sát, theo dõi tiến độ thu từng tháng, từng quý, thậm chí từng tuần để có chỉ đạo kịp thời; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu, nộp ngân sách để mang lại sự thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Theo Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK) Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, ngành hải quan được Quốc hội giao chỉ tiêu là 338.000 tỷ đồng, trong bối cảnh được dự báo là có những biến động kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Trong khi đó, năm 2020 các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs) tiếp tục được thực hiện, cắt giảm thuế đi vào giai đoạn cuối lộ trình, áp dụng với những mặt hàng có thuế suất cao. Năm 2020, FTA ký với EU sẽ có hiệu lực và nhiều mặt hàng sẽ bị cắt giảm thuế quan. Các yếu tố khách quan này sẽ là áp lực lớn đối với cơ quan hải quan trong việc phấn đấu thu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên, phát huy kết quả thu của năm 2019, năm 2020, hải quan sẽ tiếp tục cải cách, thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi thương mại. Phía hải quan cũng đang xây dựng các Đề án quan trọng như: Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin; sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế từ ngày 1/7/2020. Tất cả các nhóm giải pháp này đều hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, từ đó bù hụt thu từ thực hiện các FTAs, có cơ sở đề hoàn thành số thu được Quốc hội giao.
Năm 2020, hải quan sẽ quyết liệt các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt trong bối cảnh chống gian lận thương mại về xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; tiếp tục chống gian lận hàng hóa về trị giá và phân loại hàng hóa.
Chốt sổ ngày cuối năm, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% so với dự toán, tương đương 128,1 nghìn tỷ đồng; 63/63 tỉnh, thành đạt và vượt dự toán. Trong đó, cả thu ngân sách Trung ương (NSTW) và thu ngân sách địa phương (NSĐP) đều vượt dự toán. Thu NSTW vượt xấp xỉ 4% (32,2 nghìn tỷ đồng), thu NSĐP vượt 16% (96 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa, với 30 địa phương vượt trên 20% dự toán, 14 địa phương vượt từ 10 - 20% dự toán và 17 địa phương vượt dưới 10% dự toán; những địa phương có kết quả thu đạt cao là Ninh Bình, Bắc Giang, Bình Định, Phú Yên...