Những điểm sáng kinh tế TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Hiệu quả thu ngân sách

Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn tiềm ẩn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường xuất khẩu có nhiều biến động, với sự nỗ lực của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn đạt kết quả khá tích cực.

Chú thích ảnh
Thu thuế xuất nhập khẩu qua Cảng Tân Cảng - Cát Lái đạt trên 70.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17 % nguồn thuế thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Vượt dự toán 3,34%

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2019, ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 412.474 tỷ đồng, đạt 103,34% dự toán được giao và tăng 9,01% so với năm 2018. Bình quân thành phố thu 1.620 tỷ đồng/ngày làm việc. Đây cũng là năm thành phố có tổng thu ngân sách có tỷ lệ tăng vượt dự toán cao nhất trong vài năm gần đây.

Thu nội địa ước đạt 266.474 tỷ đồng, đạt 97,85% dự toán và tăng 8,88% so với năm 2018. Nếu không tính số Bộ Tài chính ghi thu cho ngân sách thành phố là 17.212 tỷ đồng thì ước tổng thu nội địa là 249.262 tỷ đồng, đạt 91,53% dự toán và tăng 6,58%.

Thu từ dầu thô ước đạt 25.000 tỷ đồng, đạt 138,89% dự toán và tăng 2,86%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 121.000 tỷ đồng, đạt 111,21% dự toán và tăng 12,02%.

Mặc dù trong năm 2019, nền kinh tế Thành phố chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi sự suy giảm của ngành bất động sản và xây dựng. Thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2019 giảm 14,92% so với năm 2018. Việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên cũng tác động đến nguồn thu ngân sách, ước giảm khoảng 2.150 tỷ đồng.

Tuy vậy, ngành thuế và hải quan thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước do Trung ương giao cho thành phố. Theo đó, số thu do ngành thuế thực hiện trong năm 2019 là 291.474 tỷ đồng, bao gồm thu nội địa và thu dầu thô, đạt 100,39% dự toán. Đáng chú ý, trong năm 2019, số thu ngành hải quan thực hiện ước đạt 121.000 tỷ đồng, tăng 11,21% dự toán được giao, đạt mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu thu ngân sách sớm hơn một tháng.

Để có kết quả này, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu năm đơn vị này đã tập trung xây dựng, triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch và nhiều chương trình hành động để thu hút và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Cụ thể, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc triển khai Đề án tạo thuận lợi, thủ tục hải quan trong hoạt động logistics, giảm ùn tắc tại Cảng Cát Lái, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính từ 5.000 - 7.000 tỷ đồng; Đề án hệ thống quản trị tập trung qua phần mềm HCAS, có khả năng kết nối toàn đơn vị với các Sở, ban ngành. Nhờ đó, việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp được thuận lợi hơn, công tác thu thuế xuất nhập khẩu đạt hiệu quả hơn.

Về phía Cục Thuế thành phố, đơn vị này cũng chủ động triển khai thực hiện hiệu quả cải cách hành chính trong quản lý thu ngân sách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Đồng thời, ngay từ đầu năm, ngành thuế đã triển khai thanh kiểm tra dựa trên kết quả phân tích rủi ro, xây dựng các chuyên đề thanh tra, kiểm tra có trọng điểm… đã góp phần tác động tích cực đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2019.

Điều chỉnh thu ngân sách phù hợp với thực tế

Mặc dù tổng thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng trưởng ấn tượng trong năm 2019, tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại khi số thu từ nội địa còn đạt khá thấp so với dự toán.

Số liệu của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong số thu từ nội địa, phần thu từ khu vực kinh tế chỉ đạt khoảng 90,05% dự toán, đạt 158.000 tỷ đồng và tăng 8,93% so với năm 2018. Đây là số thu chiếm tỷ trọng cao nhất trong số thu nội địa, chiếm 64,43% nên kết quả thực hiện của khu vực này tác động rất lớn đến kết quả thu nội địa trên địa bàn.

Lý giải nguyên nhân số thu này có tỷ lệ đạt dự toán khá thấp, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù ngay từ đầu năm, thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, phát triển kinh tế nhằm nuôi dưỡng, huy động nguồn thu, tuy nhiên phần thu này vẫn không đạt dự toán được giao. Nguyên nhân là do Trung ương giao dự toán thu từ khu vực kinh tế tăng quá cao so với thực hiện, vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng thu của khu vực kinh tế đều tăng ổn định qua các năm, bình quân tăng 11,03%/năm. Trong khi đó, tình hình giao dự toán khu vực kinh tế mà Trung ương giao cho thành phố trong giai đoạn 2011-2018 cũng tăng cao qua các năm, bình quân tăng 21,65%/năm.

Mặc dù trong giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng số thu của khu vực kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đều tăng ổn định qua các năm, nhưng số thu từ khu vực kinh tế chỉ có năm 2014 và 2016 lần lượt đạt 102,61% và 102,1% so với dự toán, các năm còn lại đều không đạt được dự toán pháp lệnh mà Trung ương đã giao cho thành phố. 

Trước tình hình số dự toán thu nội địa Bộ Tài chính giao quá cao so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, UBND thành phố đã kiến nghị với Bộ Tài chính điều chỉnh dự toán thu nội địa sát với số thực hiện qua các năm cũng như tình hình phát triển kinh tế thực tế trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2020, Bộ Tài chính dự toán thu nội địa của thành phố chỉ tăng 7,22% so với ước thực hiện năm 2019, trong khi tỷ lệ này trong năm trước đó là 11%, bà Trang cho biết.

Cụ thể, tổng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong năm 2020 là 405.828 tỷ đồng, tăng 1,68% so với dự toán 2019 và giảm 1,61% so với ước thực hiện năm 2019; trong đó, thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) là 265.163 tỷ đồng, tăng 2,38% so với dự toán và tăng 7,22% so với ước thực hiện 2019.

Ngoài việc điều chỉnh giảm số thu nội địa, Bộ Tài chính cũng chỉ giao thu xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố trong năm 2020 là 115.000 tỷ đồng, tăng 5,7% so với dự toán 2019 và giảm 4,96% so với ước thực hiện 2019, do lo ngại diễn biến thương mại trên thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2020, ngoài các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung tăng cường quản lý rủi ro trong quản lý thuế, giải quyết khiếu nại về thuế đúng thời hạn nhằm duy trì và phát huy kết quả đạt được; tăng cường quản lý kê khai thuế đối với người nộp thuế, đảm bảo 100% các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều được đưa vào diện quản lý và kê khai nộp thuế.

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế nhằm duy trì chất lượng kê khai và đảm bảo tỷ lệ hồ sơ khai thuế đúng hạn đạt 100% so với số phải kê khai nghĩa vụ thuế theo quy định; chủ động rà soát tình hình khai nộp của doanh nghiệp, đôn đốc kịp thời số phát sinh vào ngân sách nhà nước, rà soát số cá nhân kinh doanh thuộc diện quản lý thuế…

Hứa Chung - Xuân Anh (TTXVN)
Những điểm sáng kinh tế TP Hồ Chí Minh - Bài 4: Thu hút vốn FDI công nghệ cao
Những điểm sáng kinh tế TP Hồ Chí Minh - Bài 4: Thu hút vốn FDI công nghệ cao

Kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một thành phần quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển hài hòa về chiều rộng và chiều sâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN