Thu hút hơn 8 tỷ USD vốn FDI
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2019, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), bằng 101% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 1.200 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,85 tỷ USD (tăng 13% số dự án cấp mới và bằng 224% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Ngoài ra, thành phố cũng có 300 lượt dự án được điều chỉnh với số vốn tăng thêm đạt 850 triệu USD. Cùng với đó, thành phố cũng chấp thuận cho 5.500 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 5,3 tỷ USD.
Như vậy, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn thành phố có hơn 9.440 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 52,88 tỷ USD.
Về đóng góp của các doanh nghiệp FDI, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với năm 2018, chiếm tỷ trọng 66,4%. Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2018, chiếm tỷ trọng 48,2%.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, thành phố chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn, công ty lớn, có thương hiệu; triển khai công tác nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư; xúc tiến đầu tư gắn kết với xây dựng hạ tầng, thu hồi đất, quy hoạch và bảo vệ môi trường. Sản xuất của các doanh nghiệp ổn định, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 17 tỷ USD đạt 100 % so với kế hoạch đề ra.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2019, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì 3 ngành chủ yếu mà doanh nghiệp góp vốn nhiều nhất là ngành nghề chế biến chế tạo chiếm 40% số vốn, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 20%, hoạt động khoa học - công nghệ chiếm 14,53%.
Việc dòng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thể hiện nhà đầu tư đã tận dụng thế mạnh của thành phố là chi phí năng lượng thấp so các thành phố khác trong khu vực, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề, kỹ năng làm việc. Sự góp mặt của các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo nhu cầu lớn về công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ và trình độ quản lý cao. Đồng thời, gắn kết việc phát triển hệ thống cảng và các khu công nghiệp, tạo đa dạng về sản phẩm công nghiệp. Đầu tư FDI từng bước tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác; trong đó, có việc khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, cải thiện năng lực sản xuất của ngành công nghiệp thành phố.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thêm vốn kinh doanh, lĩnh vực đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả. Đồng thời, thành phố rà soát quỹ đất để phục vụ cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Để thu hút nhà đầu tư, năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức có hiệu quả 203 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước thông qua các sự kiện hội chợ - triển lãm thương mại và đầu tư, khảo sát thị trường; tổ chức các diễn đàn, hội thảo và kết nối doanh nghiệp (B2B). Thành phố đã đón tiếp và làm việc với 310 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về mội trường đầu tư, kinh doanh và trao đổi kinh nghiệm xúc tiến thương mại và đầu tư.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao
TP Hồ Chí Minh đã và đang tập trung kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh cũng như tăng hàm lượng chất xám, thân thiện môi trường…Ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2019, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 doanh nghiệp FDI và trong nước đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với tổng số vốn đầu từ gần 778 triệu USD.
Tại đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh bày tỏ tin tưởng, dự án đầu tư của Công ty Techtronic Industries (TTI) với vốn đầu tư 650 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất và thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất thiết bị điện cầm tay không dây thông minh, phát triển sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam và hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu.
Định hướng về thu hút nguồn vốn FDI, UBND TP Hồ Chí Minh xác định, Thành phố ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ. Thành phố thu hút có chọn lọc các tập đoàn, công ty có quy mô lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao vào đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp này.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tự nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành quan trọng của thành phố. Đồng thời, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền Thành phố, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức các chuỗi hội nghị xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh cũng xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Thành phố cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư thuộc thẩm quyền thành phố.
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại TP Hồ Chí Minh trong nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc thời gian qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là “lá phiếu” ủng hộ của doanh nghiệp với chính quyền thành phố trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, cùng doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.
Vì thế, để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn bộ nền kinh tế.
Bài cuối: Hiệu quả thu ngân sách