Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 29/11, khi sự chú ý đang được hướng tới số liệu lạm phát mà Fed theo dõi sẽ được công bố trong tuần này.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,3%, xuống 33.321,22 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,1%, xuống 16.993,44 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,6%, xuống 3.021,69 điểm.
Các thị trường Sydney, Singapore, Đài Bắc, Mumbai, Bangkok và Jakarta tăng, trong khi Wellington ổn định.
Một loạt các số liệu được công bố trong những tuần gần đây cho thấy thị trường lao động Mỹ đang nới lỏng và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng chưa gây nhiều lo ngại về một cuộc suy thoái.
Điều đó cho phép các nhà đầu tư chuyển hướng trở lại các tài sản rủi ro.
Các số liệu cho thấy các nhà giao dịch dự báo Fed sẽ hạ lãi suất trong tháng 6/2024, trong khi có 80% khả năng lãi suất hạ vào tháng 5/2023.
Giá vàng gần mức cao kỷ lục 7 tháng
Giá vàng phiên này gần mức cao kỷ lục 7 tháng, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm, nhờ nhà đầu tư có lòng tin lớn hơn rằng Fed có thể hạ lãi suất vào nửa đầu năm tới.
Giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 2.042,66 USD/ounce vào lúc 15 giờ 17 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 5/5. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giao tháng 12/2023 tăng 0,2%, lên 2.043,6 USD/ounce.
Thống đốc Fed Christopher Waller ngày 28/11 đã nhắc tới khả năng hạ lãi suất trong những tháng tới.
Lãi suất hạ sẽ làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Giá dầu tăng nhẹ
Giá dầu tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư thận trọng trước khi diễn ra cuộc họp quan trọng của OPEC+ để quyết định về chính sách sản lượng trong những tháng tới, trong khi sự gián đoạn nguồn cung do cơn bão trên Biển Đen đã đẩy giá lên.
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 3 xu Mỹ, lên 81,71 USD/thùng vào lúc 13 giờ 25 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 17 xu Mỹ, lên 76,58 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đã tăng khoảng 2% trong phiên 28/11, trước khả năng OPEC+ sẽ tiếp tục thỏa thuận cắt giảm hiện nay hoặc cắt giảm mạnh hơn, cũng như do lo ngại về sản xuất dầu của Kazakhstan và đồng USD yếu hơn.
OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 30/11 để thảo luận về các mục tiêu sản lượng năm 2024, sau khi hoãn cuộc họp theo dự kiến vào ngày 26/11.
Trong khi đó, một cơn bão mạnh trên Biển Đen đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu 2 triệu thùng dầu/ngày của Kazakhstan và Nga, gây lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn.