Các ngân hàng chi trả cổ tức ra sao sau ảnh hưởng dịch COVID-19?

Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, hầu hết các ngân hàng đã quyết định không chia cổ tức bằng tiền mặt để mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay, tái cơ cấu, xử lý nợ. Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng công bố chia cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ phổ biến là 10-20%, thậm chí tới 65% nếu cộng thêm cả cổ phiếu thưởng.

Chú thích ảnh
Trong bối cảnh dịch COVID-19, hàng loạt ngân hàng đã chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi vay, gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: T.Hoài.

Mới đây nhất, đại diện MB chia sẻ: Năm 2020, trước những khó khăn, thách thức của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh đã làm hạn chế nhu cầu tín dụng, dịch vụ ngân hàng… ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế duy trì ở mức 90% kết quả đạt được năm 2019, nỗ lực phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế tương đương năm 2019 để hướng đến mục tiêu Top 6 ngân hàng thương mại (NHTM) có lợi nhuận trước thuế cao nhất thị trường và đạt xếp hạng cao theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngân hàng MB dự kiến mức chi trả cổ tức cho kết quả tài chính năm 2020 tối đa 15%. Đây là nỗ lực của MB, nhằm đảm bảo giá trị mang lại cho cổ đông thông qua đảm bảo ổn định mức chi trả cổ tức hàng năm, ngay trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19.

Tại Đại hội thường niên năm 2020, Tổng giám đốc Viecombank, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết: Vietcombank ước lãi 6 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ với nửa đầu năm 2019, tức khoảng 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận cả năm vẫn chưa được tiết lộ và ngân hàng cho biết sẽ cập nhật dựa trên chấp thuận của NHNN. Trước đó, ngân hàng này từng đề cập tới mục tiêu lãi trước thuế cả năm tăng khoảng 10%, tức đạt 25.400 tỷ đồng. 

Theo Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đến hết năm nay có thể lên tới 1,5%, tức gần gấp đôi so với mức 0,78% vào cuối 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phía Vietcombank cam kết tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới mức 1,5% năm nay. 

Trước câu hỏi của đại diện cổ đông đến từ Công ty chứng khoán HSC đề nghị làm rõ việc chi trả cổ tức năm nay thế nào? lãnh đạo Vietcombank nói: "Việc chi trả cổ tức sẽ phải xin ý kiến cơ quan quản lý. Hiện, ngân hàng để 2 phương án, phương án 1 là trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt hoặc không trả mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ sản xuất kinh doanh".

Trong 2 năm 2019 và 2020, VPBank đã không chia cổ tức, mà để lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng. Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho rằng: Đây là sự đánh đổi bởi mục tiêu của ngân hàng giữ lại tiền là để phát triển ngân hàng, cũng như đảm bảo thị phần và các chỉ số an toàn, nên không thể đáp ứng được việc chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm.

Tại ĐHĐCĐ của MSB vừa qua, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch HĐQT MSB chia sẻ: “Lợi nhuận để lại của năm 2019 còn gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chia cổ tức thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực hoạt động, hơn nữa, năm 2020, MSB đặt mục tiêu xử lý dứt điểm các khoản trái phiếu nợ xấu đang được quản lý tại Công ty Quản lý tài sản - VAMC”. Quy định của NHNN từng nêu: Ngân hàng nào chưa xử lý xong nợ xấu tại VAMC, thì chưa thể được chia cổ tức. Do đó lãnh đạo MSB hứa hẹn, năm 2021 sẽ trả cổ tức cho cổ đông.

Theo Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB), LPB sẽ hoàn thành việc chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UpCom) sang niêm yết tại HOSE trong năm 2020. Về kế hoạch tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, kế hoạch tăng vốn điều lệ được thực hiện thành 2 đợt. Theo đó, đợt 1 ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, dự kiến hoàn thành trong năm 2020; đợt 2 ngân hàng thực hiện tăng vốn thông qua phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ chào bán không quá 4,99%.

Như vậy, LPB là một trong số ít các ngân hàng thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông rất đều đặn kể từ khi thành lập đến nay trong bối cảnh một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc chi trả cổ tức hàng năm cho cổ đông.

Trong số các ngân hàng trên, HDBank được xem là ngân hàng có tổng tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng cao nhất, lên tới 65%. Cụ thể: Dựa trên mức lợi nhuận sau thuế hơn 4.020 tỷ đồng trong năm 2019, sau khi trích lập các quỹ, cộng với phần lợi nhuận giữ lại của các năm trước, HDBank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và phát hành thêm 15% cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần để tăng vốn điều lệ. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng hơn 6.200 tỷ, lên hơn 16.000 tỷ đồng...

Minh Phương/Báo Tin tức
Tín dụng ngân hàng tăng chậm vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Tín dụng ngân hàng tăng chậm vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Đại diện một số ngân hàng thương mại (NHTM) dự báo: Năm nay lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các ngân hàng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các ngành nghề kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN