Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành: Tín hiệu tích cực cho thị trường và nền kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là một tín hiệu tích cực cho thị trường và nền kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vay vốn.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thông qua giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu…), Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ phần nào chi phí vốn cho các ngân hàng, dù số lượng ngân hàng tiếp cận nguồn vốn này chưa nhiều. Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này cũng ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữa ngân hàng và các tổ chức kinh tế, nhưng chủ yếu là ở kỳ hạn ngắn.

“Ngân hàng Nhà nước mới chỉ giảm trần lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn từ qua đêm đến dưới 6 tháng. Như vậy, đối với các kỳ hạn cho vay trung và dài hạn không tác động nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vay vốn trung và dài hạn; đồng thời các ngân hàng đang huy động tiền gửi với lãi suất khá cao nên ngân hàng phải cho vay với lãi suất cao”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cũng nhận định, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19, bên cạnh việc giãn. hoãn, cơ cấu nợ thì việc giảm thêm lãi suất cho vay là rất cần thiết.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước không thể bơm tiền hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp mà phải thông qua hạ lãi suất điều hành, từ đó có nguồn vốn hấp dẫn cho ngân hàng thương mại hỗ trợ lại doanh nghiệp. Đương nhiên, việc cấp vốn vẫn phải đảm bảo các điều kiện tín dụng theo quy định.

Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp các ngân hàng có thêm dòng tiền từ cơ quan điều hành, giúp ngân hàng thương mại mạnh tay hạ lãi suất và cho vay. Tuy nhiên, để đánh giá tác động của động thái hạ lãi suất điều hành lần này thì phải chờ thêm một thời gian nữa để xem độ “ngấm” của dòng vốn. Bên cạnh đó, trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng đã “mạnh tay” cắt giảm lãi suất điều hành, thậm chí nhiều nước còn để mức lãi suất âm.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Theo ông Phạm Thanh Hà, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều Ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái; nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Tại các ngân hàng thương mại, trước ngày 13/5, lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ mức 3,9 - 4,75%/năm. Tuy nhiên, sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn nói trên.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng đối với khách hàng tổ chức giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm. Lãi suất cao nhất tại VietinBank hiện tại ở mức 6,8%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng và từ 24 tháng đến dưới 36 tháng.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tối đa cho kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống còn 0,2%/năm; lãi suất tối đa kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm từ 4,3% xuống 4,0%/năm; 3 tháng giảm từ 4,7% xuống 4,25%/năm

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ mức 3,9 - 4,2%/năm thay vì mức 4,4 - 4,45%/năm như trước đó.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ mức 4,15 - 4,25%/năm thay vì mức 4,5 - 4,7%/năm như trước đó.

Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)... vốn có mức lãi suất hấp dẫn nhất cho kỳ hạn dưới 6 tháng ở khoảng 4,75%/năm thì nay cũng đã điều chỉnh giảm còn 4,25%/năm.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 3,4 - 4%/năm; kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng từ 5,6 - 5,9%/năm; lãi suất tối đa kỳ hạn 12 tháng là 6,3%/năm. Trong khi đó, gửi tiền online, lãi suất tối đa cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,05%/năm, 6 tháng từ mức 6,5 - 6,6%/năm; trên 6 tháng đến dưới 12 tháng từ mức 5,9 - 6,1%/năm.

Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, việc hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng tiết giảm chi phí và có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch COVID-19.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. Trên cơ sở đó, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thùy Dương - Mai Phương (TTXVN)
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán sáng 13/5 vẫn giảm điểm
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán sáng 13/5 vẫn giảm điểm

Dù đón nhận thông tin tích cực từ việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, nhưng sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đối diện với áp lực chốt lời tăng mạnh của giới đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN