Vào thời điểm đó, vàng vừa kết thúc năm 2017 với mức tăng kỷ lục 13,5% - cao nhất kể từ năm 2010. Trong tháng đầu năm, giá vàng có lúc đã chạm mức cao nhất của 17 tháng và trong báo cáo ngày 17/1/2018, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã nói rằng mọi điều kiện đều ủng hộ giá vàng nối dài đà tăng.
Ba yếu tố chính thúc đẩy sự lạc quan của thị trường khi ấy bao gồm: Đồng USD yếu, chiều hướng giảm điểm trên thị trường chứng khoán Mỹ, và căng thẳng địa chính trị leo thang. Về lý thuyết, một đợt tăng giá vàng kéo dài và ổn định có đủ điều kiện để xảy ra.
Hãng tin Bloomberg ngày 24/1 dự báo mức giá 1.400 USD cho mỗi ounce vàng là hoàn toàn khả thi trong vòng hai tháng tới. Các chuyên gia của hãng tin Reuters sau đó cũng nhận định giá vàng có thể vượt mức 1.500 USD/ounce trong năm nay, do những diễn biến không mấy tươi sáng trên thị trường chứng khoán cùng bất ổn chính trị sẽ khiến vàng trở thành một kênh “trú ẩn an toàn” hấp dẫn.
Nhưng tháng 10/2018 đã đến. Và mặc dù những rủi ro thương mại đã gia tăng đáng kể cùng với cuộc khủng hoảng tiền tệ gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, giá vàng hồi tháng Tám có lúc giảm xuống dưới mức 1.200 USD/ounce và duy trì ở quanh mức này từ đó tới nay. Vậy, chuyện gì đã xảy ra?
Khi thế giới đã quen với biến động
Về cơ bản, tình hình không nhiều yếu tố quá khác biệt so với hồi đầu năm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã sụt mất tới 3000 điểm trước khi tăng lên trở lại vào cuối tháng Ba. Đồng USD tiếp tục trượt dốc cho tới giữa tháng Tư. Và căng thẳng địa chính trị tiếp tục được thổi bùng, làm dấy lên những lo ngại từ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái tương đối nhẹ, đến nguy cơ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ tái diễn.
Trước đây, hầu như bất kỳ rủi ro địa chính trị nào có quy mô lớn như trong mùa Hè năm nay - ví dụ như những diễn biến căng thẳng tại Trung Đông, đàm phán Brexit, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu hoặc cực tả tại các nước - đều là yếu tố đủ mạnh để tác động đáng kể đến sự biến động của giá vàng. Nhưng năm nay, điều này đã không xảy ra.
Theo ông Richard Hayes, Giám đốc điều hành (CEO) Perth Mint, công ty chuyên sản xuất sản phẩm kim loại quý lớn nhất Australia, thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy biến động kể từ đầu năm tới nay, với các tin xấu kéo đến dồn dập tới mức thị trường đã có phần “chai lì” với chúng. Trong bối cảnh đó, giá vàng lại không có một “chiếc phao cứu sinh nào để neo lại”, còn đồng USD tiếp tục mạnh lên trong vài tháng qua.
Theo giới quan sát, sự mạnh lên của đồng USD là nhờ kết hợp giữa hai yếu tố: chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, cùng với nhận định rằng Mỹ sẽ phần nào hưởng lợi nhiều hơn từ các cuộc chiến tranh thương mại, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp nêu trên trở thành sự thật, nhiều chuyên gia tin rằng những động thái leo thang thuế quan của Washington cuối cùng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của nước này. Một khi nền kinh tế suy yếu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) có thể cân nhắc lộ trình nâng lãi suất, qua đó tác động đến đồng USD. Nói cách khác, đà tăng của đồng USD sẽ không phải kéo dài mãi.
Nhà kinh tế về thị trường hàng hóa Simona Gambarini của công ty tư vấn đầu tư Capital Economics lấy ví dụ về việc giá vàng đã giảm khoảng 30% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong khi đồng USD tăng giá vào cùng thời gian. Giá vàng chỉ bắt đầu tăng vào cuối năm 2008, sau khi Fed cắt giảm lãi suất và bắt tay vào chương trình nới lỏng định lượng, khiến đồng USD giảm mạnh.
Bên cạnh đó, bất chấp màn trình diễn hơi kém ấn tượng của vàng trong mùa Hè, giới chuyên gia vẫn tin rằng kim loại quý này chưa mất đi sức hấp dẫn như một kênh trú ẩn an toàn. Một số nhà phân tích nhận định rằng tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn khá lạc quan về triển vọng thị trường và những diễn biến địa chính trị chưa thực sự khiến họ e ngại. Điều này giải thích tại sao giá vàng không có được chuỗi tăng như dự báo.
Hạ thấp triển vọng của giá vàng
Các nhà quan sát cho rằng triển vọng dài hạn của vàng vẫn tỏ ra khá vững chắc, với giá kim loại quý này dự kiến sẽ tăng trở lại mức 1.300 USD khi áp lực từ đồng USD giảm xuống.
Nhà chiến lược Marcus Garvey thuộc ngân hàng ICBC Standard Bank cho biết trong tình hình hiện tại, giá vàng có thể phục hồi và tăng lên khoảng 1.250 USD/ounce, rồi lên 1.300 USD trong sáu tháng tới. Chuyên gia này cho hay ông chưa thấy khả năng vàng có thể bứt phá lên mức cao hơn khi tính đến tiến trình tăng lãi suất ở Mỹ và thị trường chứng khoán tại các nền kinh tế phát triển vẫn ổn định.
Trong khi đó, ngân hàng ABN Amro (Hà Lan) dự báo giá vàng có thể tăng lên 1.250 USD/ounce vào tháng 12/2018 rồi sẽ tăng lên chạm mức 1.400 USD/ounce vào cuối năm tới. Capital Economics cũng đưa ra các nhận định tương tự, cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ “hụt hơi” vào các năm tới và có thể khiến Fed phải hạ lãi suất trở lại. Dự báo của Capital Economics về giá vàng tính đến cuối năm 2019 và 2020 lần lượt là 1.350 USD/ounce và 1.400 USD/ounce.
Tuy nhiên, “đại gia” ngành ngân hàng và tài chính thế giới Goldman Sachs mới đây đã đã mô tả môi trường đầu tư gần đây có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn cuối những năm 1990. Khi đó sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngành công nghệ khiến nhà đầu tư thuộc các nền kinh tế phát triển rất tự tin vào thị trường tài sản rủi ro, trong khi các thị trường mới nổi lại đang xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính. Triển vọng tăng trưởng kém lạc quan của các thị trường mới nối, bên cạnh việc đồng USD mạnh lên vào cùng thời gian, đã khiến khoản tiết kiệm của các hộ gia đình bị hao hụt, trong lúc đây là một yếu tố quan trọng thể hiện nhu cầu về vàng tại các thị trường này.
Do vậy, Goldman Sachs đã hạ triển vọng giá vàng của giai đoạn ba tháng, sáu tháng và 12 tháng tới xuống lần lượt là 1.250 USD/ounce, 1300 USD/ounce và 1.325 USD/ounce. Trước đó, mức dự báo của Goldman Sachs lần lượt là 1.350 USD/ounce, 1.375 USD/ounce và 1.450 USD/ounce cho các thời gian tương ứng như trên.