Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do thiếu vắng những "manh mối" mới liên quan tới chính sách tiền tệ của Mỹ và thị trường đang hướng sự chú ý tới số liệu kinh tế sẽ được công bố vào cuối tuần này. Cụ thể, chốt phiên này, giá vàng giao tháng 6/2017 tăng 0,22% lên 1.254 USD/ounce.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Hỗ trợ giá vàng trong phiên này là những căng thẳng địa chính trị dấy lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 đã đề cập đến khả năng sử dụng thương mại như một đòn bẩy để có được sự hợp tác của Trung Quốc chống lại CHDCND Triều Tiên. Vàng thường được xem là một kênh đầu tư an toàn trong những thời điểm bất ổn tài chính và địa chính trị.
Giá vàng trong phiên này gần như “phớt lờ” tác động của đồng USD, mặc dù “đồng bạc xanh” đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong hai tuần qua so với rổ các đồng tiền chủ chốt.
Chuyên gia Ole Hansen của ngân hàng Saxo cho biết thị trường đang hướng sự chú ý tới số liệu việc làm của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào ngày 7/4 tới nhằm tìm kiếm "manh mối" về đường hướng biến động của lãi suất.
Cũng trong phiên 3/4, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống còn 18,17 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng khoảng 1% lên 953,65 USD/ounce.
Giá dầu giảm khi sản lượng “vàng đen” của Libya hồi phụcTrong khi đó, giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày 3/4 khi sản lượng dầu của Libya hồi phục đã "lấn át" cả số liệu kinh tế lạc quan của châu Á cho thấy nhu cầu năng lượng lớn của khu vực này.
Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2017 giảm 41 xu Mỹ (0,8%) xuống còn 53,12 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 36 xu Mỹ (0,7%) xuống còn 50,24 USD/thùng.
Máy bơm dầu ở Williston, Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nhà giao dịch lưu ý rằng cả giá dầu kỳ hạn Brent và dầu WTI đều giảm trong ngày 3/4 sau khi không thể vượt mức giá trung bình của 100 ngày -ngưỡng kháng cự kỹ thuật.
Mỏ dầu Sharara lớn nhất ở Libya đã hoạt động trở lại trong ngày 2/4 sau một tuần gián đoạn. Sản lượng dầu khai thác tại mỏ này đạt khoảng 120.000 thùng trong ngày 3/4, và khoảng 220.000 thùng/ngày trong giai đoạn trước khi ngừng hoạt động vào ngày 27/3.
Số liệu về hoạt động chế tạo của châu Á cho thấy nhu cầu năng lượng của khu vực này đang gia tăng. Tiêu biểu là Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc cho thấy hoạt động của các nhà máy ở nước này trong tháng 3/2017 tăng tháng thứ chín liên tiếp.
Theo chuyên gia Tim Evans của Citi Futures, kinh tế thế giới vẫn trên đà tăng trưởng trong năm 2017 - nhân tố hỗ trợ đối với nhu cầu của thị trường dầu thế giới.