Thị trường trú ẩn an toàn vẫn hút dòng tiền
Tâm lý tích cực được duy trì khi thị trường hàng hóa liên tục thiết lập các mức đỉnh mới trong tuần này, giúp tổng giá trị giao dịch toàn Sở vẫn giữ được trên mức 9.500 tỉ đồng. Cả ba mặt hàng kim loại quý đều tăng giá với giá bạc nhích nhẹ 0,1% lên 25,2 USD/ounce. Đáng chú ý, bạch kim có phiên tăng thứ 3 liên tiếp lên 1.080,8 USD/ounce.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán tiếp tục là một yếu tố hỗ trợ rất tốt đối với thị trường kim loại quý. Những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cộng với áp lực lạm phát vì giá năng lượng tăng khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại rủi ro và dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên mức tăng của nhóm kim loại quý có phần khiêm tốn hơn rất nhiều bởi sức ép đến từ việc FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng này. Trong phiên điều trần mới nhất trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell đã ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 0,25% để đối phó với những áp lực lạm phát đang ở mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ của Mỹ.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lãi suất tăng sẽ khiến cho đồng USD mạnh lên và làm giảm bớt sức hấp dẫn của các mặt hàng kim loại quý. Vàng và bạc vốn có vai trò trú ẩn vượt trội nên sức mua đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong phiên hôm qua.
Kim loại cơ bản bùng nổ
Do vậy, điểm sáng của thị trường kim loại thực sự thuộc về nhóm kim loại cơ bản. Giá đồng tăng 2,5% lên 4,78 USD/pound, mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, khi mà giá lập đỉnh cao nhất mọi thời đại.
Tồn kho trên cả ba Sở lớn trên thế giới, Sở Thượng Hải, Sở LME và Sở COMEX chỉ còn hơn 210.000 tấn, mức tiêu thụ chỉ vỏn vẹn vừa đủ nhu cầu tiêu thụ của cả thế giới trong 3 ngày đã gây nên áp lực lớn về nguồn cung khiến cho giá đồng tăng vọt. Các nhà đầu tư đang rất kỳ vọng đồng sẽ lập đỉnh mới trước khi kết thúc tuần giao dịch này.
Tương tự, giá quặng sắt dẫn đầu đà tăng với mức tăng hơn 6% lên gần 160 USD/tấn nhờ vào kỳ vọng nhu cầu được cải thiện ở Trung Quốc. Quốc gia này đã đề xuất nâng tỷ trọng sản xuất quặng sắt ở nước ngoài của Trung Quốc từ 120 triệu tấn vào năm 2020 lên 220 triệu tấn vào năm 2025. Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng quặng sắt trong nước từ 100 triệu tấn lên 370 triệu tấn và tiêu thụ thép phế từ 70 triệu tấn lên 300 triệu tấn so với cùng kỳ.
Giá thép cán nóng Trung Quốc đã tăng gần 8% so với cuối năm 2021, trong khi giá thép xây dựng cũng tăng gần 5%. Giá HRC toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên dù đã hạ nhiệt so với năm ngoái. Ở Mỹ, giá HRC hôm qua vẫn giữ mức cao nhất với giao dịch khoảng 1.200 USD/tấn, châu Âu là 1.075 USD/tấn, thấp hơn nhiều là khu vực châu Á với 875 USD và Trung Quốc 845 USD. Theo MXV, giá thép sẽ tiếp tục tăng lên ít nhất là trong tháng 3.
Giá quặng sắt và nhu cầu thép hồi phục cũng đẩy giá thép ở Việt Nam tăng theo. Hôm qua, giá thép Hòa Phát đã nâng thêm 300.000 đồng/tấn lên hơn 17,3 triệu đồng/tấn.
Ngoài đồng và quặng sắt, nhôm cũng đạt kỷ lục mới với mức đóng cửa cao hơn 4,1% lên 3.716 USD/tấn khi các thương nhân tranh giành giao hàng thực với lượng tồn kho giảm một nửa trong năm qua - từ khoảng 2 triệu tấn vào tháng 3/2021 xuống chỉ còn hơn 800.000 tấn.
Ở Thượng Hải, dự trữ nhôm ngày 3/3 ghi nhận 241.000 tấn, giảm hơn 7% so với một tuần trước, đánh dấu chuỗi ba tuần giảm liên tiếp. Điều này cho thấy nhu cầu về nhôm đang tiếp tục tăng mạnh tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây đã khiến ba hãng vận tải container lớn nhất thế giới tạm ngừng các chuyến hàng đến và đi từ Nga vào thời điểm tồn kho nhôm thấp. Nga sản xuất khoảng 6% nhôm của thế giới và chiếm khoảng 10% nguồn cung cấp mỏ niken toàn cầu.