Đáng chú ý nhất trong phiên hôm qua là các mặt hàng năng lượng, với mức tăng lên đến gần 2%. Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định ở mức trên 4.100 tỉ đồng.
Giá dầu tăng trở lại trong ngày hôm qua do căng thẳng chính trị leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng gần 2,4% lên 84,37 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 205% lên 87,18 USD/thùng. Giá tăng vượt qua cả mức giảm của phiên trước.
Dầu thô biến động tương đối mạnh trong phiên và dao động xung quanh vùng giá đóng cửa. Một mặt, dầu thô và các tài sản rủi ro khác chịu sức ép do các ngân hàng trung ương như Singapore đột ngột tăng lãi suất mà không thông qua kế hoạch trước, mở ra khả năng FED sẽ đưa ra hành động tương tự trong cuộc họp ngày hôm nay.
Có thể nói đây là một trong những rủi ro lớn nhất trên thị trường tài chính hiện tại, do đó dầu thô cũng không tránh khỏi áp lực chung. Tuy vậy, giá vẫn được hỗ trợ vào phía cuối phiên khi các căng thẳng địa chính trị gia tăng. Phía Nga và NATO đồng loạt chỉ trích nhau về việc gửi quân đội đến gần biên giới châu Âu, cùng lúc đấy Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích phiến quân Houthi tại Yemen về việc tấn công UAE.
Điều này có nguy cơ khiến cho căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng, do phía Iran được xem là có mối quan hệ thân thiết với Houthi. Như vậy, khả năng Mỹ và Iran có thể thuận lợi đạt thỏa thuận hạt nhân và mở đường cho việc Iran xuất khẩu trở lại tương đối thấp. Dầu thô tăng bất chấp đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy đà tăng của dầu đang dựa trên triển vọng căng thẳng địa chính trị gia tăng và tạo ra gián đoạn trong nguồn cung.
Thông tin sáng nay của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô đã giảm trở lại khoảng 872.000 thùng là một tín hiệu tích cực đối với thị trường. Như vậy, 2 trong 3 tuần gần đây tồn kho dầu thô thương mại đều giảm, ngược với xu hướng trong tháng 1 hàng năm.
Trên thị trường nội địa, giá xăng dầu trong nước vẫn ở kỳ điều chỉnh từ ngày 21/01 và ở mức khá cao.