Dòng tiền chảy vào thị trường hàng hóa có sự chững lại sau phiên tương đối thăng hoa vào đầu tuần, khiến giá trị giao dịch toàn Sở giảm gần 20% về mức 4.800 tỉ đồng. Trong đó, giá trị nhóm năng lượng vẫn chiếm tỉ trọng lớn với gần 50%.
Lo ngại nhu cầu suy yếu nửa cuối năm, giá dầu tiếp tục lao dốc
Giá dầu duy trì đà giảm trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ giảm trong nửa cuối năm nay. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 3,23% xuống 99,76 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,28% xuống 102,46 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong tháng giá dầu tại Mỹ đóng cửa dưới mức 100 USD/thùng.
Chỉ trong vòng 2 phiên đầu tuần, giá dầu thô WTI đã giảm khoảng 9%. Việc Trung Quốc thắt chặt thêm các biện pháp hạn chế tại hầu hết các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đang gây ra nhiều tâm lý lo ngại trên thị trường. Dù vậy số ca nhiễm tiếp tục tăng trong thời kỳ phong tỏa, và khiến cho thị trường lo ngại rằng chính sách Zero-Covid này sẽ còn phải triển khai trong thời gian dài trước khi các hoạt động sản xuất và sinh hoạt có thể quay trở lại bình thường. Như vậy, nhu cầu đi lại và hoạt động sản xuất suy yếu sẽ kéo theo tiêu thụ dầu giảm dần.
Báo cáo Triển vọng Tiêu thụ Năng lượng Ngắn hạn phát hành tối qua, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đã hạ dự báo tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2022 từ mức 99,8 triệu thùng/ngày xuống 99,61 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu trong năm 2023 cũng điều chỉnh giảm từ 101,73 triệu thùng/ngày xuống 101,55 triệu thùng/ngày.
Nguyên nhân chủ yếu do EIA điều chỉnh giảm số liệu tiêu thụ dầu của 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, EIA hạ dự báo tiêu thụ dầu của Trung Quốc xuống 15,56 triệu thùng/ngày trong năm 2022, giảm 90.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trong báo cáo tháng 4. Đây là yếu tố tiêu cực đối với thị trường, khi hai quốc gia “đầu tầu” đều cho thấy sự giảm sút.
Các số liệu của EIA được xây dựng dựa trên các thông tin vào ngày 05/05, trước khi EU đề xuất cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga. Do đó, mặc dù EIA hạ dự báo sản lượng dầu thế giới từ 100,21 triệu thùng/ngày xuống 99,89 triệu thùng/ngày, con số này vẫn chưa phản ánh thực chất tình trạng giảm sụt nguồn cung dầu của thị trường trong thời gian tới, nếu lệnh cấm vận được thông qua.
Giá dầu tiếp tục chịu áp lực trong phiên sáng nay, khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/05. Tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng, ngược với kỳ vọng giảm của thị trường.
Nhóm kim loại phân hóa
Diễn biến trái chiều quay lại với bảng giá của nhóm kim loại trong phiên giao dịch hôm qua. Giá vàng tiếp tục giảm 0,9% về 1.838 USD/ounce, giá bạc giảm phiên thứ tư liên tiếp với mức đóng cửa thấp hơn gần 2% về 21,4 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim lấy lại sắc xanh với mức tăng 0,9% lên 947 USD/ounce.
Thị trường kim loại quý vẫn tiếp tục chịu sức ép trước đà tăng của đồng USD, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index đã tăng lên 103,9 điểm trong phiên hôm qua. Ngoài ra, dòng vốn cũng phân bổ trở lại vào thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu trong phiên hôm qua, khiến cho sức mua đối với các mặt hàng kim loại quý vẫn còn rất yếu.
Hai trên ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là S&P500 và Nasdaq đều đóng cửa trong sắc xanh, đồng thời, mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã giảm về dưới 3%, phản ánh việc các nhà đầu tư đã đưa dòng tiền quay lại với nhóm các tài sản sinh lời, trong bối cảnh vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý đã bớt hấp dẫn.
Tuy nhiên, những thay đổi của thị trường trong phiên hôm qua không quá lớn, cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước khi các số liệu lạm phát của Trung Quốc và Mỹ được công bố.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng cũng giảm phiên thứ tư liên tiếp về 4,15 USD/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Giá quặng sắt tiếp tục giảm 2,2% về 126,44 USD/tấn. Ngoài sức ép tới từ đồng USD, triển vọng tiêu thụ của cả hai mặt hàng vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình dịch bệnh của Trung Quốc.
Dù tình hình ở Thượng Hải đang có dấu hiệu cải thiện, nhưng các nhà chức trách vẫn duy trì trạng thái đề cao cảnh giác và tiếp tục thắt chặt các chính sách chống dịch khiến cho các hoạt động sản xuất công nghiệp đều bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào để hỗ trợ nền kinh tế càng làm cho tâm lý các nhà đầu tư tiêu cực và cản trở dòng tiền quay lại với cả hai thị trường.