2019 có thể là năm thứ 4 xuất siêu liên tiếp của Việt Nam

Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, các chuyên gia thương mại dự kiến năm 2019 là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đạt mức tăng trưởng tăng 7 - 8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mở rộng quy mô

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty XNK thủy sản Cửu Long, thành phố Long Xuyên (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cụ thể, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 10 nhưng lại tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 25,8% so với cùng kỳ, đạt 7,5 tỷ USD; khối doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu đạt 15,1 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), giảm 4,5% so với cùng kỳ.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, nếu tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Không những thế, tỷ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung cũng tăng lên mức 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11 đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng 10/2019 và 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 232,308 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 98,2 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,1 tỷ USD, tăng 3,1%.

Nhận định từ giới phân tích cho thấy: Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khả quan và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho hay: Tính đến hết tháng 11 đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại.

Hơn nữa, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%).

Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, tất cả các nhóm thị trường Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy việc chủ động khai thác có hiệu quả các FTA này.

Ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra ví dụ cụ thể như xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 7,6%; Hàn Quốc tăng 10,1%; ASEAN tăng 2,5%; Nga tăng 9,1%; xuất khẩu sang New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái...

Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hơn nữa, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong phát triển doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa.

Tạo thêm lực đẩy

Theo dự báo của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở Việt Nam và một số nước châu Á…

Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 FTA được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.

Đáng lưu ý, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.

Tuy vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức. Đó là EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh  tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế.

Không những thế, việc kiểm soát chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm.

Mặt khác, xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

Vì thế, để xuất khẩu tự tin cán đích, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát biến động tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong điều hành và có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Mặt khác, chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương cũng sẽ có những biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Hơn nữa, Bộ chú trọng việc tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu; đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hàng hóa trước khi nhập khẩu, tạm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam.

Uyên Hương (TTXVN)
10 tháng năm 2019, cả nước xuất siêu hơn 7 tỷ USD
10 tháng năm 2019, cả nước xuất siêu hơn 7 tỷ USD

10 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,4% và nhập khẩu tăng 7,8 % so với cùng kỳ năm 2018. Cả nước xuất siêu 7,05 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN