Ngày 13/12, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận tổ chức tọa đàm “Đánh giá tiến độ triển khai Kế hoạch kiểm soát chất lượng, xác định những khó khăn và hướng ưu tiên phát triển chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận trong tương lai”.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi một số vấn đề liên quan đến chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận như: Tình trạng xây dựng và quản lý; những khó khăn trong việc phát triển bền vững chỉ dẫn địa lý thanh long…
Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết: Trong những năm qua, xác định chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương, Bình Thuận thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của cộng đồng; giúp các thành viên, các doanh nghiệp được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hiểu rõ chỉ dẫn địa lý nhằm phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp, nhà sản xuất, góp phần giữ vững uy tín sản phẩm truyền thống của tỉnh.
Xác định chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương. Ảnh: TTXVN |
Toàn tỉnh hiện có 85 tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận với diện tích vườn trồng là hơn 2.300 ha. Đến nay, 12 nước và vùng lãnh thổ đã đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Đức, Nhật Bản…Hiệp hội thanh long Bình Thuận hỗ trợ kinh phí cho 6 doanh nghiệp dán 40 triệu tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận lên trái thanh long khi lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên hiện nay nhận thức về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý của người sản xuất, kinh doanh thanh long còn nhiều hạn chế. Các đại biểu tại buổi tọa đàm cũng cho rằng, số lượng các tổ chức được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý còn quá ít so với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh.
Theo Hiệp hội thanh long Bình Thuận, hiện có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa với quy mô lớn, phân phối hàng hóa trực tiếp đến người bán lẻ mà không qua trung gian. Phần đông doanh nghiệp đều không có khả năng xuất khẩu trực tiếp mà phải bán cho nhà nhập khẩu ngay trong nước hoặc biên giới. Các nhà nhập khẩu nước ngoài sau khi thu mua đã thay đổi bao bì để mang thương hiệu của nhà nhập khẩu. Vì vậy thanh long mang chỉ dẫn địa lý Bình Thuận chưa được quảng bá nhiều trên thị trường.
Để đảm bảo cho chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận phát triển trong tương lai, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị ngành nghề truyền thống của địa phương, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp như: Hoạt động nâng cao nhận thức về chỉ dẫn địa lý cần được thiết kế phù hợp và hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể là nhà sản xuất, thương nhân hay doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với hoạt động tiếp thị và phát triển chỉ dẫn địa lý, các ý kiến cho rằng cần xây dựng chiến lược thương mại hóa chỉ dẫn địa lý ở thị trường trong nước và các thị trường tiềm năng. Chiến lược này cần phải được dự báo theo các kênh thương mại chính thức và ổn định để thương mại hóa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, Bình Thuận cần xây dựng chuỗi giá trị sản xuất thanh long. Các cơ quan quản lý tại địa phương cần đảm bảo rằng chỉ các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được chứng nhận mới được gắn dấu hiệu chỉ dẫn địa lý và đưa ra thị trường; đồng thời có trách nhiệm giám sát toàn bộ sản phẩm khi đưa ra thị trường là sản phẩm đã được xác nhận…
Bình Thuận hiện có 26.500 ha thanh long với sản lượng 500.000 tấn/năm. Hiện nay, 80% thanh long Bình Thuận được xuất khẩu, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 80% còn lại là các nước Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc…