Thanh tra tối thiểu 19,5% số doanh nghiệp do ngành thuế quản lý

Ngày 13/1, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Năm 2020, Tổng cục Thuế đã giao các cục thuế phải đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra tối thiểu 19,5% số doanh nghiệp đang quản lý trong ngành thuế.

Chú thích ảnh
Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. 

Theo đó, các đơn vị tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm phát hiện doanh nghiệp dùng hóa đơn bất hợp pháp; phối hợp với các cơ quan ban ngành để phát hiện kịp thời các doanh nghiệp có rủi ro cao về chuyển giá, chuyển lợi nhuận, xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp vi phạm về thuế trong lĩnh vực giá chuyển nhượng.

Theo Tổng cục Thuế, năm qua, Tổng cục Thuế đã rà soát để thanh tra các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, ngành nghề kinh doanh mới, doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhiều năm liên tục có dấu hiệu chuyển giá, các hồ sơ hoàn thuế lớn.

“Do công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh nên năm 2019, toàn hệ thống thuế đã thực hiện được 96.243 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 109,7% kế hoạch; bằng 100,3% so với cùng kỳ năm 2018; kiểm tra được 517.554 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế. Tổng số kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt 64.524,8 tỷ đồng, bằng 103,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 13.812 tỷ đồng, đạt 73% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra”, ông Cao Anh Tuấn nói.

Năm 2019 Tổng cục Thuế đã đặt mục tiêu phấn đấu thu ngân sách tăng 7,9% so với dự toán pháp lệnh; phấn đấu giảm số nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách. Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu năm Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu cho các cục thuế, đồng thời giám sát việc thực hiện nhiệm vụ từng tháng, từng quý; đánh giá, phân loại, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp.

Cơ quan thuế cũng áp dụng các biện pháp rắn để thu hồi như: Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tập trung đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế.

Kết quả, cơ quan thuế đã thu hồi được 35.200 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 90,8% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018. Tổng số tiền thuế nợ đến 31/12/2019 là 80.830 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 40.602 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,2% tổng số tiền thuế nợ; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 40.228 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% tổng tiền thuế nợ.

Như vậy, tính cả số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra (13.812 tỷ đồng) và số tiền nợ thuế thu được (35.200 tỷ đồng) là gần 50.000 tỷ đồng. Kết quả này góp phần quan trọng trong việc hoàn thành toàn diện nhiệm vụ thu NSNN năm 2019.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, năm 2020, ngành thuế sẽ phấn đấu hoàn thành vượt 3% nhiệm vụ thu NSNN đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 1.254.300 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 35.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.219.100 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Quốc hội cho ý kiến về nợ đọng thuế, Luật Chứng khoán
Quốc hội cho ý kiến về nợ đọng thuế, Luật Chứng khoán

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN