Siết quản lý thuế các doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), hoạt động chuyển giá đang diễn ra ngày càng tinh vi, số doanh nghiệp có giao dịch liên kết (GDLK) được thanh tra còn ít so với thực tế.

Chú thích ảnh
Nghị định 132 của Chính phủ vừa ban hành quy định cụ thể về xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ảnh: TTXVN.

Ông Lê Xuân Trường chia sẻ: Thời gian qua, hoạt động quản lý thuế đã đạt được nhiều kết của đáng khích lệ. Tuy nhiên, hoạt động quản lý thuế đối với các GDLK vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Hoạt động chuyển giá vẫn chưa được đẩy lùi, đang diễn ra ngày càng tinh vi với mức độ ngày càng lớn, số doanh nghiệp có GDLK được thanh tra còn ít so với thực tế.

“Các quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có GDLK dù đã được quy định đầy đủ nhưng thực tế vẫn còn những vướng mắc, gây khó khăn, tranh chấp trong quá trình thực thi. Trong đó, việc lựa chọn các đơn vị độc lập để tiến hành so sánh theo lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để phân tích; xác định khoảng giao dịch độc lập còn quy định chung chung theo thứ tự ưu tiên, việc chọn như thế nào, số lượng bao nhiêu, dựa trên cơ sở nào, khi nào thì phải chuyển sang đối tượng khác… vẫn chưa rõ”, TS Nguyễn Đình Chiến, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) nhấn mạnh.

Để quản lý có hiệu quả hơn các doanh nghiệp có GDLK, kiểm soát và hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua GDLK của các doanh nghiệp ở Việt Nam, TS Nguyễn Đình Chiến cho rằng: Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có GDLK. Trong đó, cần có quy định chi tiết và các hướng dẫn rõ về các phương pháp xác định giá GDLK, để doanh nghiệp cũng như cơ quan thuế có thể vận dụng đầy đủ, chính xác trong quá trình thực hiện. Ngành Thuế cần tăng cường nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức thuế cũng như quy trình, nghiệp vụ thực thi một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng đảm bảo khoa học, chặt chẽ, kịp thời.

Đề cập về Nghị định 132/2020/NĐ-CP  về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có GDLK sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Nghị định 132  đảm bảo đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Nghị định quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá GDLK; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá GDLK, thủ tục kê khai; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh GDLK.

Về nguyên tắc áp dụng, người nộp thuế có GDLK phải loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để kê khai, xác định nghĩa vụ thuế đối với các GDLK tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.

Điểm mới đáng chú ý của Nghị định 132 là mở rộng thêm đối tượng loại trừ như: các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).

Theo Nghị định 132, thời điểm lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia có sự thay đổi. Nếu như Nghị định 20 trước đây quy định người nộp thuế tại Việt Nam có công ty mẹ tại nước ngoài có nghĩa vụ lưu trữ và cung cấp cho cơ quan thuế báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ và cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế thi nhập doanh nghiệp, thì Nghị định 132 quy định mới theo thông lệ quốc tế đảm bảo phù hợp với cam kết khi tham gia diễn đàn BEPS (Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận), đó là báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhận được qua hình thức trao đổi thông tin tự động nếu cơ quan có thẩm quyền của 2 nước có ký thoả thuận. Người nộp thuế chỉ phải cung cấp cho cơ quan thuế trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của 2 nước không ký thoả thuận.

“Hiện Việt Nam đã ký trên 80 hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước. Tại Điều 24 của Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần quy định không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước”, ông Đặng Ngọc Minh nói.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, theo cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có nguyên tắc cấm phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong nước về thuế. Nguyên tắc đối xử công bằng được dẫn chiếu tại Điều 17 Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATT), Điều 3 của Hiệp định GATT về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. “Do đó, chính sách pháp luật được xây dựng nói chung và quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nói riêng đều phải đảm bảo bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước”, ông Đặng Ngọc Minh nói.

Từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra được 263 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 525,08 tỷ đồng; giảm lỗ 9.042,61 tỷ đồng; giảm khấu trừ 4,74 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.190,71 tỷ đồng.

Minh Phương/Báo Tin tức
Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Tại Thông báo số 407/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ: Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN