Nhà nông chuẩn bị 'cầu vừa đủ xài' phục vụ Tết

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nhà nông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tất bật chăm sóc các loại trái cây, phục vụ mâm ngũ quả Tết cổ truyền ở các gia đình như: cầu, dừa, đủ, xoài, với mong muốn "cầu vừa đủ xài" cho một năm đầy đủ, ấm no.

Chú thích ảnh
Anh Mai Quốc Khánh, ngụ tại ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ (Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu) chăm sóc cây mãng cầu chuẩn bị bán Tết Nguyên đán. 

Gia đình anh Mai Quốc Khánh ở ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ có 7 năm trồng mãng cầu ta, với diện tích 5.000 m2 trồng được 500 gốc mãng cầu. Nhiều năm trở lại đây, ngoài việc chăm sóc cho mãng cầu ra chính vụ, anh Khánh bắt đầu xử lý cho cây ra hoa để bán vào dịp Tết Nguyên đán.

Năm nay, anh Khánh cũng bắt đầu xử lý cho mãng cầu ra hoa vào tháng 8 Âm lịch. Anh Khánh chia sẻ, trồng mãng cầu bình thường nhiều sâu bệnh, trồng trái vụ lại càng tốn nhiều công sức, phân, thuốc hơn. Ngoài gặp thời tiết bất lợi mưa, nắng thất thường dễ khiến cây sẽ bị rụng bông và trái, sâu bệnh vì thế cũng tấn công nhiều hơn.

Anh Khánh cho biết, nếu như năm ngoái, vườn mãng cầu bán vào dịp Tết của gia đình anh đạt 4 tấn thì năm nay cũng ước chừng cho năng suất bằng năm ngoái. Hiện nay, giá mãng cầu đang ở mức 40.000 đồng/kg, thường vào những dịp Tết sẽ tăng lên khoảng 50.000 đồng/kg. Như vậy, riêng vụ Tết sau khi các chi phí ước chừng gia đình anh thu về khoảng 80 triệu đồng từ vườn mãng cầu.

Gia đình anh Ngô Quốc Chiến ở ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức có gần 2 ha trồng đu đủ sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn; trong đó có 1.000 cây phục vụ ra trái bán vào dịp Tết Nguyên đán. 

Chú thích ảnh
Anh Ngô Quốc Chiến tại ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) thu hoạch đu đủ. 

Những ngày này, anh Chiến tập trung gia cố lại cây, tưới nước, bón phân, kiểm tra xem có rệp sáp tấn công cây và trái hay không để có cách xử lý, làm sao cây cho ra những trái đu đủ to, đều và đẹp, lại ngon ngọt. Với hướng sản xuất hữu cơ, anh không phun, bón phân hóa học cho cây mà hoàn toàn bằng phân chuồng và thuốc sinh học. Vì vậy, đu đủ trồng tại vườn nhà anh được nhiều cửa hàng, siêu thị ưu chuộng.

Đối với đu đủ làm hàng Tết, anh thường xuất bán vào những ngày từ 23 - 28 tháng Chạp Âm lịch. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh dự kiến xuất bán từ 15 - 20 tấn đu đủ, với gia bán dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ước thu về khoảng từ 130 - 150 triệu đồng.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích trái cây của tỉnh là hơn 12.000 ha, sản lượng trái cây cung ứng ra thị trường gần 10.000 tấn/tháng. Riêng mùa Tết, sản lượng trái cây dự kiến tăng gấp 2 - 3 lần.

Hiện chỉ khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng tại nhiều nhà vườn, thương lái đã bắt đầu đặt mua hàng bán Tết.

Với điều kiện thời tiết mưa thuận, gió hòa như hiện nay, các nhà nông tại Bà Rịa-Vũng Tàu kỳ vọng giá cả sẽ tăng cao để có một mùa thu hoạch bội thu vào dịp Tết.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân tất bật vào vụ Tết
Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân tất bật vào vụ Tết

Tết Nguyên đán 2021 đang tới gần, nhiều hộ dân sống tại Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân, huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang tăng sản xuất để có đủ hàng bán cho người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN