Cần xem lại chính sách ưu đãi để Việt Nam không là ‘thiên đường trốn thuế’

Lợi dụng chính sách ưu đãi lớn về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thời gian miễn thuế, không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã biến Việt Nam thành "thiên đường trốn thuế".

Lợi dụng kẽ hở chính sách ưu đãi để chuyển giá

Có ý kiến cho rằng: Nên xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng các chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu đã kéo theo hàng loạt gian lận thuế thông qua chuyển giá, báo lỗ giả nhằm trốn thuế, kinh doanh thương mại điện tử, hoàn thuế xuất nhập khẩu...

Hiện, ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề, địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lại lợi dụng kẽ hở trong chính sách ưu đãi để chuyển giá.

Một số quy định nhằm kiểm soát vấn đề này đã được triển khai nhưng theo các nhà đầu tư, vô hình trung các quy định lại làm khó doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nghị định 20/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết khống chế mức trần 20% cho tỷ lệ chi phí lãi vay được trừ. Bên cạnh đó là hiện tượng áp dụng cứng nhắc, không thống nhất ở các địa phương đang làm nản lòng nhà đầu tư. Do đó, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại nên siết ưu đãi hay vẫn giữ chính sách thuế để thu hút đầu tư?

Vì vậy, phía Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đối với doanh nghiệp FDI như: Cần rà soát, đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ chế quản lý đối với khu vực doanh nghiệp FDI cho giai đoạn tới.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên vẫn có tình trạng, nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Từ năm 2012 đến năm 2016, số doanh nghiệp FDI báo lỗ trung bình từ 44% đến 51% tổng số doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu của tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của doanh nghiệp FDI.

“Cách thức mà các doanh nghiệp FDI thường trốn thuế tại Việt Nam là thông qua các hình thức chuyển giá lãi và chuyển giá lỗ, chuyển giá qua tài sản hữu hình và vô hình (kiểu dáng, bí quyết, thương hiệu..). Việc chuyển giá cũng được thực hiện thông qua các khoản vay như: vay vốn từ công ty mẹ, công ty liên kết thông qua các tổ chức trung gian là công ty độc lập; hoặc chuyển giá bằng cách tính thuế thấp hoặc không tính thuế”, Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) nói.

Nhóm ngành có tỷ lệ chuyển giá, trốn thuế ngược vào Việt Nam cao nhất là linh kiện điện tử, máy tính, thiết bị ngoại vi, viễn thông, phần mềm. Theo số liệu của ngành thuế, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) bình quân của các doanh nghiệp FDI ở những ngành trên luôn duy trì ở mức cao nhất, bình quân trên 30%. Đặc biệt, một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế TNDN như: Dự án công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và tại Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao. Năm 2015, ROE lần lượt là 30,1% và 61,4%, năm 2016 là 26% và 49%, trong khi các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp. Điều này cho thấy mức độ chuyển giá giữa các doanh nghiệp FDI có mối quan hệ liên kết và được hưởng mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn thuế Deloitte Việt Nam khẳng định: Tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhiều năm mà vẫn mở rộng đầu tư là rất bất thường trong kinh doanh. Cơ quan thuế phải có biện pháp quản lý những trường hợp này.

“Đối với việc doanh nghiệp kê khai giá nguyên phụ liệu để đẩy giá vốn lên cao, có nhiều cách để kiểm tra xem doanh nghiệp kê khai giá đó có hợp lý hay không. Một là cơ quan thuế nên thông qua cơ sở dữ liệu của hải quan về các sản phẩm tương tự trên thị trường. Người ta có thể độc quyền về công thức nhưng không thể độc quyền về nguyên vật liệu. Nguyên liệu không có gì là quá quý hiếm nên việc kiểm tra giá không quá khó. Cách thứ hai là có thể làm việc với cơ quan thuế sở tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để trao đổi thông tin nhằm có mức giá nguyên liệu tại nước sở tại”, ông Tuấn chia sẻ.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm: Với doanh nghiệp, ưu đãi thuế chỉ là một yếu tố hấp dẫn. Điều quan trọng hơn cả là chính sách rõ ràng và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả từ thu hút đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế như ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế; ưu đãi đầu tư nhưng phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế… Đồng thời, cần bảo đảm đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Bổ sung quyền điều tra hành vi trốn thuế

Theo Bộ Tài chính, Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa bổ sung quyền điều tra các hành vi trốn thuế cho cơ quan thuế, là quyền mà trước đây cơ quan thuế chưa có. Quy định này cũng nhằm giảm tải cho cơ quan điều tra chuyên trách, giúp cho cơ quan này điều tra tội phạm trong lĩnh vực thuế hiệu quả hơn, đồng thời tránh để lọt tội phạm, cũng như phát huy nguồn lực sẵn có của cơ quan thuế.

Các vi phạm được thực hiện với quy mô ngày càng lớn, có tổ chức, xuyên quốc gia, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có diễn biến phức tạp. Trong khi đó, do cơ quan thuế chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp, đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán...Hơn nữa, do cơ quan công an không trực tiếp quản lý cũng như chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu không kịp thời.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an 16.087 trường hợp, trong đó kiến nghị khởi tố 395 trường hợp có chứng cứ rõ ràng. 15.692 hồ sơ còn lại, cơ quan công an đề nghị cơ quan thuế phân tích trong đó có bao nhiêu trường hợp có dấu hiệu phạm tội, nhưng việc này chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, thu thập chứng cứ.

Minh Phương/Báo Tin tức
Thanh tra thuế doanh nghiệp bán lẻ 'kêu lỗ' để ngăn ngừa chuyển giá, trốn thuế
Thanh tra thuế doanh nghiệp bán lẻ 'kêu lỗ' để ngăn ngừa chuyển giá, trốn thuế

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết: Cuối tháng 7/2017 sẽ có kết quả thanh tra thuế của các doanh nghiệp bán lẻ. Trọng tâm thanh tra là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh lỗ; nợ thuế lớn; nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN