Do khó khăn tài chính, nhiều đội bóng lớn Italia đã không còn thu hút được các ngôi sao hàng đầu thế giới, cũng như không thể giữ chân những cầu thủ xuất sắc nhất của mình. Serie A thậm chí đã trở thành mảnh đất để một đội bóng như Paris Saint-Germain thỏa sức tiến hành “mùa săn”.
AC Milan níu kéo được Mario Balotelli bao lâu nữa? |
Một thời gian dài trước đây, Serie A được xem là “thiên đường” cho những ngôi sao và là một trong những thế lực hùng mạnh nhất của bóng đá châu Âu. Tuy nhiên, vị thế đó đã bị sụt giảm nghiêm trọng trong khoảng một thập kỷ trở lại đây. Trên bảng xếp hạng của UEFA, Đức (thứ 3) đã vượt qua Italia (thứ 4) từ năm 2011. Ngay cả những chức vô địch Champions League của AC Milan (2007) và Inter Milan (2010) cũng không thể cứu vãn được đà xuống dốc một cách tất yếu của Serie A. Trong 5 mùa giải Champions League gần đây nhất, chỉ duy nhất một đội bóng Italia (Inter của Jose Mourinho năm 2010) là lọt được vào tới vòng bán kết.
Thành tích đáng thất vọng này được giải thích bằng cuộc khủng hoảng về mô hình kinh tế của bóng đá Italia. Các nhà tài phiệt đầu tư vào các đội bóng, nhưng chủ yếu lại tập trung mua sắm cầu thủ ngôi sao trên thị trường chuyển nhượng, thay vì nghĩ đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, đồng nghĩa với việc họ tự “ném qua cửa sổ” một khoản thu khổng lồ từ các cổ động viên. Đến khi hầu bao cạn kiệt, các ông chủ không còn cách nào khác ngoài việc lại phải đem bán ngôi sao.
Trong số các đội bóng lớn của Italia, hiện chỉ có Juventus là ngoại lệ. Ngày 8/9/2011, “Bà đầm già” thành Turin đã khánh thành sân mới và thuộc sở hữu riêng của họ, mang tên Juventus Arena. Đó là một hình ảnh khác hẳn so với những sân bóng cũ kỹ, tồi tàn trên khắp dải đất hình chiếc ủng.
“Allianz Arena, sân mới của Bayern Munich, mang lại 110 triệu euro mỗi năm cho CLB, trong khi sân San Siro cũ kỹ của AC Milan chỉ thu được 30 triệu euro”, Chủ tịch UEFA Michel Platini mới đây đã giải thích về khả năng cạnh tranh kém của các đội bóng Italia.
Tình hình thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, sau khi Italia thất bại trước Pháp trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Euro 2016. Kế hoạch cải tổ toàn diện sân bãi Serie A lại phải xếp vào ngăn tủ.
Chính người hâm mộ Italia giờ đây cũng không còn quá mặn mà với Serie A, nói gì đến việc giải đấu có thể cải thiện được hình ảnh trong mắt các ngôi sao hàng đầu thế giới. Từng là hình mẫu trong những năm 1980 và 1990, Serie A hiện phải chiến đấu để không bị tụt sâu thêm nữa trên bảng xếp hạng của UEFA.
Bị bỏ xa bởi Premier League (Anh) và Bundesliga (Đức) về tính hấp dẫn, các đội bóng lớn Italia tất yếu cũng không thể so bì được với Real Madrid và Barcelona (Tây Ban Nha) về tiềm lực tài chính. Serie A thậm chí còn không cưỡng nổi sức tấn công của “nhà giàu mới nổi” PSG từ Ligue 1 (Pháp). Bằng chứng là Leonardo đã bỏ cả AC Milan và Inter để chạy sang làm giám đốc thể thao của PSG. Tại đó, nhờ tiền của các nhà đầu tư Cata, Leonardo đã liên tục “rút ruột” Serie A: Zlatan Ibrahimovic, Thiago Silva (từ AC Milan), Ezequiel Lavezzi (Napoli), Thiago Motta (Inter), Javier Pastore (Palermo), Jeremy Menez (AS Roma)… Làn sóng di cư này không có dấu hiệu dừng lại, khi “người Môhican cuối cùng” Edinson Cavani (Napoli) cũng vừa chạy theo tiếng gọi đồng tiền từ PSG.
Nhìn rộng ra cả thị trường châu Âu, càng thấy sức phản kháng của Serie A là vô cùng yếu ớt. Không chỉ bị khai thác bởi La Liga (Kaka sang Real Madrid năm 2009, Alexis Sanchez sang Barcelona năm 2011), Premier League (Stevan Jovetic sang Manchester City năm 2013) và Ligue 1, các ông lớn Italia cũng bất lực nhìn Anzhi (Nga) “cuỗm” mất Samuel Eto’o năm 2011, hay Fenerbahce (Thổ Nhĩ Kỳ) lôi kéo thành công Wesley Sneijder năm 2012.
Những HLV tài ba nhất của bóng đá Italia hiện cũng không hành nghề ở Serie A: Fabio Capello ở Nga, Marcelo Lippi ở Trung Quốc, Carlo Ancelotti ở Tây Ban Nha và Roberto Mancini thì vừa kết thúc 4 năm làm việc tại Anh.
Việc Juventus vừa mua Carlos Tevez từ Manchester City với giá 9 triệu euro, hay Fiorentina bất ngờ “chơi trội” tuyển mộ Mario Gomez từ Bayern Munich với giá 20 triệu euro, rõ ràng không thể che giấu một sự thật: Italia đang ngày càng bị đe dọa bởi tình trạng “chảy máu” tài năng.
Cuộc trở lại Serie A của Mario Balotelli trong mùa đông vừa qua (do xung đột với Man City) nhiều khả năng cũng chỉ là tạm thời. Người đại diện của anh, Mino Raiola, đã cảnh báo Serie A: “Các đội bóng Italia chỉ trả lương bằng 1/3 so với các đội bóng Anh hay Tây Ban Nha. Tôi không biết AC Milan có thể tiếp tục trả lương như thế cho Mario Balotelli trong bao lâu, nhưng cái ngày họ không thể giữ chân anh ấy đang đến rất gần”.
Thiếu thứ gia vị mang tên “euro”, những buổi chiều chủ nhật tràn ánh nắng ở Calcio giờ không còn hấp dẫn các ngôi sao. Thời buổi này, ít thấy người Italia chê Premier League mù sương, Manchester ủ dột vì mưa, hay đồ ăn ở Anh quá tệ.
Bảo An