Vụ Fabrice Muamba đột quỵ vì đau tim: Báo động sự quá tải

Fabrice Muamba đang dần hồi phục sau khi trải qua hôn mê sâu, khi anh đã có thể bắt đầu tự thở cũng như có phản ứng khi người thân hỏi chuyện. Cuộc sống lại được mở ra với Muamba, song những gì đã xảy ra với anh chính là lời cảnh báo cho giới cầu thủ về nguy cơ tương tự có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào.

Muamba đã bất ngờ gục xuống sân White Hart Lane trong trận Bolton gặp Tottenham tại Cúp FA đêm thứ Bảy vừa qua sau khi lên cơn đau tim. Khi ấy, mọi biện pháp sơ cứu của đội ngũ y tế đều trở nên vô hiệu, khiến không ít người đã nghĩ đến một bi kịch nữa lại xảy ra trong thế giới bóng đá, và phải mất tới 48 giờ sau thì cầu thủ này mới có dấu hiệu hồi phục.

Muamba bất ngờ gục xuống sân trong trận Bolton gặp Tottenham tại Cúp FA tối 17/3.

Trước Muamba, rất nhiều cầu thủ đã không may mắn như anh. Marc Vivien Foe, Antonio Puerta rồi Dani Jarque đều đã từ giã cõi đời, để lại nhiều nỗi đau đớn cho người thân, đồng thời là lời cảnh báo cho giới cầu thủ nói riêng và thể thao nói chung. Tiến sỹ William McKenna, Giám đốc bệnh tim di truyền Đại học College London cho biết: "Rèn luyện thể lực sẽ kích hoạt sự vận động của tim," McKenna cho hay. "Nếu bạn có vấn đề nào đó liên quan đến tim và tập luyện quá sức, nó sẽ khiến bạn gục ngã."

Cùng với McKenna, Tiến sĩ Douglas Zipes của Viện Tim mạch Krannert, Đại học Indiana cũng đưa ra lời cảnh báo rằng những bất thường về tim và gây đến việc đột quỵ là do hoạt động quá sức, nhất là các vận động viên thể thao. "Vận động viên thường phải vận động căng thẳng và quá sức. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề về tim và có thể gây ra tình trạng tim ngừng đập."

Minh chứng rõ ràng nhất đó là việc những không ít những cầu thủ đã phải vĩnh biệt cuộc sống vì vấn đề về tim. Trong số đó phải kể đến Antonio Puerta (Sevilla), người đã bất ngờ gục ngã trên sân và ra đi sau khi đã trải qua ba ngày "vật lộn" với tử thần, tại bệnh viện. Hay mới đây nhất là cầu thủ người Nhật Bản Naoki Matsuda, người từng dự World Cup 2006.

Thậm chí theo thống kê mới nhất, tại Mỹ, có khoảng 100 vận động viên trẻ đã thiệt mạng vì những bệnh liên quan đến tim mỗi năm.

Sự việc này một lần nữa lại góng lên hồi chuông cảnh báo về việc quá tải của lịch thi đấu mà các liên đoàn bóng đá đưa ra. Đặc biệt tại Anh, trong một mùa giải, các đội bóng chuyên nghiệp sẽ phải thi đấu ít nhất bốn giải đó là Premier League, Cúp FA, Carling Cup, đó là chưa kể đến thi đấu tại Champions League hay Europa Leage (thuộc UEFA).

Lịch thi đấu ở Anh vẫn còn nhiều điều bất hợp lý khi mà các cầu thủ phải thi đấu mà không có được kỳ nghỉ Đông, trong khi các giải đấu hàng đầu khác ở Italy, Tây Ban Nha hay Đức đều có ít nhất hai tuần để nghỉ ngơi. Không chỉ vậy, tại Cúp FA, giải đấu được xem là sân sau của các đội bóng thì lại diễn ra theo luật hòa thì đá lại (trận đấu mà Muamba bị đột quỵ diễn ra chính tại giải đấu này). Điều đó càng khiến lịch thi đấu thêm dày hơn. Điều này khiến cho thể lực của các cầu thủ giảm sút nghiêm trọng khi phải thi đấu quá nhiều. Tất cả đều được che đậy với lời biện bạch rằng bóng đá là trò giải trí để phục vụ khán giả, trong khi vấn đề sức khỏe của các cầu thủ hoàn toàn bị xem nhẹ.

Vậy nên, sau những gì xảy ra với Muamba, liệu những nhà quản lý bóng đá Anh đã thực sự tỉnh giấc, hay vẫn bị mờ mắt bởi cơn sốt tiền bạc cũng những lời tán tụng về cái gọi là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.

Tuệ Minh
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN