Theo thông tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), Tổng cục đã phân tách rõ 16 môn, nhóm môn thể thao trọng điểm trong số 32 môn thể thao được lựa chọn của Đề án để xây dựng các quy trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành Thể dục Thể thao trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, trao đổi về những khó khăn trong công tác đào tạo, theo PGS.TS. Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh, ngành Thể dục Thể thao hiện đang rất thiếu những chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực của thể thao.
“Chúng ta muốn đào tạo tốt nhưng lại thiếu người giỏi, đứng đầu chuyên môn ở 1 lĩnh vực cụ thể. Nhất là chuyên gia trong tâm lý thể thao, huấn luyện thể thao và khoa học thể thao. Chỉ khi nào có một sự đào tạo chuyên biệt, hội tụ đủ những yếu tố cần thiết của một nền thể thao chuyên nghiệp, chúng ta mới tăng cường được sự kết nối với thể thao quốc tế” - PGS.TS Đặng Hà Việt chia sẻ.
Xung quanh vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết: “Chúng ta đang rất thiếu cán bộ có nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng thực tiễn về một lĩnh vực nào đó của thể thao. Chẳng hạn thiếu nhất vẫn là chuyên gia dinh dưỡng. Điều này đã khiến nhiều nơi rất đau đầu trong việc định lượng khẩu phần ăn cho vận động viên. Hay truyền thông trong thể thao cũng đang thiếu chuyên gia. Nhiều sự kiện thể thao trên thế giới dù có quy mô nhỏ nhưng họ vẫn có đội ngũ truyền thông rất chuyên nghiệp và hiệu quả. Đây là điều chúng ta phải học”.
Ông Trần Đức Phấn cũng chỉ ra hạn chế trong đào tạo cán bộ quản lý thể thao. Ông cho rằng vì thực tế hiện nay đã khác rất nhiều so với trước đây. Trước xu hướng phát triển của xã hội, các nền thể thao trên thế giới phát triển rất nhanh và nắm bắt xu thế rất tốt. Xong trình độ đào tạo cán bộ quản lý thể thao tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, để làm tốt điều này thì việc quan trọng là những người làm công tác đào tạo quản lý phải bắt kịp xu thế, có trình độ chuyên môn tốt.
Để khắc phục hạn chế về cán bộ quản lý, ông Trần Đức Phấn đưa ra quan điểm, 3 trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cần xác định rõ nhu cầu của trường đang thiếu để từ đó lựa chọn cán bộ được cử đi đào tạo có đủ tố chất, đúng với yêu cầu. Với cách làm này, ngành Thể thao hy vọng sẽ sớm có được lực lượng cán bộ chất lượng cao, mang lại hiệu quả thực sự và tránh lãng phí cho công tác đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao.
Theo kế hoạch dự kiến, bắt đầu từ năm 2021, nhóm 3 trường Đại học Thể dục Thể thao và Viện khoa học Thể dục Thể thao sẽ tiến hành triển khai kế hoạch đào tạo tài năng thể thao trong nước, chủ yếu là nhóm vận động viên trẻ, năng khiếu.
Với các vận động viên thành tích cao được tập huấn tại nước ngoài, Tổng cục TDTT đang phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát một số địa điểm tập huấn nước ngoài để đưa vận động viên Việt Nam sang đào tạo được phù hợp và đạt kết quả tốt nhất. Theo đó, 3 quốc gia đang được ngành hướng tới khảo sát và dự kiến đưa vận động viên Việt Nam sang đào tạo là Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản… Công tác cử người đi đào tạo sẽ thực hiện theo hướng nước nào có thế mạnh ở môn nào, mảng nào sẽ cử vận động viên, nhân sự ở mảng đó đi.