Nhân dịp này, TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết nhằm tôn vinh sức mạnh võ thuật Việt Nam.
Đất nước Việt Nam từ thuở con Lạc cháu Hồng đã có truyền thống thượng võ. Nét đẹp đó đã trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, thể hiện sức sống lâu bền và mãnh liệt. Chính tinh thần thượng võ đã giúp cho cha ông ta chiến thắng những thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất.
Dân tộc thượng võ
Theo Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, qua các tài liệu cho thấy, dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay vốn yêu chuộng hòa bình, luôn lấy hòa khí làm trọng. Tuy vậy, trong quá trình hàng nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển, dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với những thế lực ngoại xâm hùng mạnh.
Với một quốc gia đất không rộng, người không đông, việc chống chọi ngoại xâm là hết sức khó khăn và gian khổ. Song với tinh thần thượng võ, cùng tài thao lược sắc bén, cha ông ta luôn giành được những thắng lợi lẫy lừng, làm cho nhiều kẻ thù khiếp sợ. Điều này đã được minh chứng qua tài cầm binh của Ngô Quyền với trận Bạch Đằng đánh tan đội quân Nam Hán (năm 938); Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (năm 968); Lý Thường Kiệt với trận phản công trên sông Như Nguyệt tiêu diệt 30 vạn quân Tống (1077); đội quân hùng hậu Nguyên – Mông 3 lần tiến quân vào Đại Việt là cả 3 lần phải ôm hận trở về, trong đó phải kể đến chiến công của vị tướng tài Trần Hưng Đạo (1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất thế giới), khi ông chỉ huy đội quân đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên–Mông năm 1285 và 1288...
Đến thế kỷ XV đầu thế kỷ XIX, võ thuật cổ truyền Việt Nam tiếp tục tồn tại ở hai dạng: Sinh hoạt quần chúng và biên chế triều đình. Ở triều đình, do luôn phải đối mặt với nguy cơ xâm lược, phiến loạn, các cuộc nổi dậy, nên hầu hết các vương triều đều chú ý đến việc xây dựng quân đội, rèn luyện võ thuật. Còn trong quần chúng, nền võ thuật vẫn luôn được duy trì ở các lò võ, lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân, vừa thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Mỗi lò võ đều có một bí kíp và bản sắc riêng, không lò nào, môn phái nào giống nhau. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các lò đã giúp nền võ thuật Việt Nam lúc bấy giờ phát triển phong phú, đa dạng.
Kết hợp tài ba vào quân sự
Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ: Khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nước ta nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Suốt thời kỳ này, võ thuật phổ biến rộng rãi, thậm chí khi phong trào chống Pháp suy yếu thì các lò võ vẫn âm thầm hoạt động. Các võ sư vẫn bí mật truyền dạy tinh hoa võ thuật cho học trò, tạo nên không khí luyện tập võ nghệ sôi nổi trong quần chúng nhân dân, song song với võ quân của triều đình.
Tuy nhiên ở thời kỳ này, đương đầu với súng đạn, đại bác hiện đại của Tây phương thì gươm giáo, võ thuật không còn đóng vai trò quyết định trong các cuộc đối đầu. Những việc rèn luyện võ thuật nhằm phát huy tinh thần thượng võ, kỹ thuật tự vệ vẫn âm thầm phát triển trong dân chúng, dẫn đến sự ra đời các trung tâm võ thuật lừng danh ở Thăng Long - Hà Nội (miền Bắc), Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định (miền Trung), Sài Gòn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (miền Nam).
Tiến thêm bước nữa, võ thuật Việt Nam được kết hợp tài ba vào quân sự qua các trường võ thuật của quân đội như: Liên trường võ khoa Thủ Đức, các trung tâm huấn luyện đặc biệt chuyên đào tạo lực lượng bảo vệ nhân vật quan trọng. Ngoài ra, các lực lượng đặc công, đặc nhiệm, trinh sát, biệt động, người nhái, phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động… đều cần dùng võ thuật song song với vũ khí hiện đại trong công việc.
Nói về những đặc điểm nổi bật của võ thuật quân sự, Chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang nhấn mạnh: Võ thuật quân sự phải nhanh, gọn, chính xác, hiệu quả, người tập võ phải có đức tính can trường, bản lĩnh, bình tĩnh, gan dạ, tự tin, khôn ngoan, dũng mãnh. Võ thuật quân sự thực tế, thực dụng, không dùng động tác thừa, đòn đánh ra chính xác, đủ lực để triệt hạ nhanh đối phương. Ngoài ra, trong các cuộc kháng chiến, các chiến sỹ còn phải biết bơi lội, vượt sông, nhảy dù, đổ bộ hoặc tuột dây từ trực thăng xuống, leo núi, mưu sinh thoát hiểm, tìm phương hướng ban ngày cũng như ban đêm và nhiều chiến thuật khác để đáp ứng yêu cầu chiến đấu thực tiễn.
Võ thuật quân sự đã góp phần giúp cho những người yêu nước, lực lượng quân đội giành thế chủ động trước mọi tình huống, góp phần không nhỏ vào công cuộc giành độc lập tự do cho dân tộc.
Sức mạnh võ thuật Việt Nam - Bài 2: Võ Việt hội nhập và phát triển