Paragoay vào chung kết với kỷ lục hòa

Lần đầu tiên sau 32 năm, Paragoay mới lọt được vào chung kết Copa America, sau khi một lần nữa gặp may mắn trên chấm luân lưu 11m ở trận bán kết với Vênêxuêla. Kết quả này khiến đội quân của huấn luyện viên Gerard Martino trở thành đội đầu tiên trong lịch sử vào chung kết mà không thắng trận nào (tính trong thời gian thi đấu chính thức và hiệp phụ).

Niềm vui của các cầu thủ Paragoay khi lọt vào chung kết. Ảnh: AFP-TTXVN


"Chúng tôi đã rất may mắn, nhưng trong bóng đá là như thế. Người giành chiến thắng không phải lúc nào cũng là người chơi tốt hơn", tiền đạo Nelson Haedo Valdez thừa nhận đội nhà đã gặp may mắn trong trận bán kết.

Nhưng may mắn thật ra cũng chỉ góp một phần trong chiến thắng của Paragoay, bởi họ đã phát huy tối đa sở trường chơi phòng ngự bê tông của mình. Tại vòng bảng, Paragoay đã hòa cả 3 trận trước Êcuađo (0-0), Braxin (2-2) và Vênêxuêla (3-3), qua đó chỉ giành quyền đi tiếp với tư cách là một trong hai đội xếp thứ ba có thành tích tốt hơn cả. Tại vòng tứ kết, Paragoay tiếp tục sử dụng lối chơi “cùn” đó để buộc các cầu thủ Braxin phải giải quyết trận đấu trên chấm luân lưu 11m (hòa 0-0 sau 120 phút), để rồi giành chiến thắng trong loạt “đấu súng” cân não.

Lối chơi quá thực dụng này cũng đã được Paragoay áp dụng thành công tại vòng chung kết World Cup 2010 diễn ra trên đất Nam Phi. Tại giải đấu, cho dù tất cả các tiền đạo không ghi được bàn nào, song họ đã lọt vào đến tứ kết và chỉ chịu thua sát nút 0-1 trước Tây Ban Nha, đội sau đó đã giành chức vô địch.

Trở lại với trận bán kết 2 của Copa, dù được đánh giá cao hơn đối thủ song Paragoay vẫn trung thành với lối chơi “cùn” của mình. Họ nhường hẳn thế trận cho đối thủ để co về phòng ngự, và nếu như trọng tài chính xác hơn thì chiếc vé vào chung kết đã không thuộc về Paragoay. Đó là tình huống ở phút 35 khi Vizcarrondo băng vào đánh đầu tung lưới Villar. Tuy nhiên, trọng tài đã không công nhận vì cho rằng cầu thủ chuyền bóng là Cichero đã việt vị. Nhưng pha quay chậm cho thấy trước khi chuyền bóng, Cichero vẫn đứng trên các hậu vệ của Paragoay.

May mắn cũng đứng về phía Paragoay, khi hết Moreno của Vênêxuêla đưa bóng dội thẳng xà ngang, lại đến Miku và Arango thì sút trúng cột dọc. Không thể ghi được bàn thắng, Vênêxuêla đành chấp nhận bước vào loạt đá luân lưu 11m như Braxin ở trận tứ kết. Và ở màn đấu súng cân não này, thủ thành Villar của Paragoay tiếp tục chơi xuất sắc khi lao người tóm gọn cú sút của Lucena, giúp đội nhà làm nên lịch sử.

Như vậy, trận chung kết Copa America 2011 sẽ là cuộc đối đầu giữa Urugoay với Paragoay, điều mà ít ai ngờ đến trước khi giải đấu khởi tranh. Paragoay chắc chắn sẽ tiếp tục trung thành với lối chơi của mình. Chính vì thế, dù được đánh giá cao hơn, song Urugoay cũng chưa chắc đã giành chiến thắng nếu không giải được bài toán phòng ngự của Paragoay, đội đang có thể đi vào lịch sử với tư cách là nhà vô địch không cần biết thắng!

Tuệ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN