Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 23 Ủy viên. Ông Lê Hồng Tịnh - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Cầu mây Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đã bầu ra 4 Phó Chủ tịch gồm: Bà Nguyễn Thị Hồng Anh (Hội Đại học, Cao đẳng Việt Nam); ông Nguyễn Ngọc Tú (Trung tâm Văn hóa thể thao quận 5-Thành phố Hồ Chí Minh); ông Đỗ Chí Cường (Công ty Cổ phần Điện tử, Tin học FSC); ông Trần Văn Hùng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng). Ông Lê Thanh Sơn (Tổng cục Thể dục thể thao) được Đại hội bầu giữ chức Tổng thư ký Liên đoàn Cầu mây khóa III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong nhiệm kỳ 2014 - 2019, Liên đoàn Cầu mây Việt Nam thúc đẩy phong trào tập luyện, thi đấu môn Cầu mây ngày càng rộng rãi trong cả nước; đẩy mạnh hòa nhập sâu rộng với phong trào thể thao trong khu vực, châu lục và thế giới. Nhờ vậy, trong nhiệm kỳ qua, các vận động viên Cầu mây Việt Nam đã gặt được một số thành công nhất định như: Tại giải vô địch thế giới từ năm 2015 đến 2019, các vận động viên Cầu mây Việt Nam thi đấu xuất sắc mang về tổng cộng 2 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng; cùng nhiều huy chương giá trị khác tại các giải trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Phấn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Liên đoàn Cầu mây Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; mong muốn trong thời gian tới, Liên đoàn tiếp tục khắc phục những khó khăn, phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức xã hội và sự hỗ trợ của các Liên đoàn quốc tế để triển khai có hiệu quả các hoạt động sự nghiệp của mình trong nhiệm kỳ mới.
Thay mặt Ban Chấp hành Liên đoàn Cầu mây Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch Liên đoàn Cầu mây Việt Nam khóa III Lê Hồng Tịnh khẳng định sẽ phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để đáp lại những tình cảm của lãnh đạo, cũng như đông đảo người hâm mộ môn Cầu mây Việt Nam dành cho Ban Chấp hành.
Ban Chấp hành Liên đoàn Cầu mây Việt Nam trong nhiệm kỳ mới sẽ đẩy mạnh phong trào tập luyện môn Cầu mây theo chủ trương xã hội hóa thể dục thể thao, nhằm hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ tới với khẩu hiệu “Vững tin Phát triển”; tranh thủ sự chỉ đạo của ngành Thể dục thể thao để tiếp tục xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên, trên cơ sở lựa chọn các vận động viên có thành tích tập trung tập luyện trong nước và nước ngoài chuẩn bị sẵn sàng tham dự các kỳ Đại hội thể thao trong khu vực, châu lục và thế giới…
Cầu mây được du nhập vào Việt Nam và phát triển từ những năm 1990 ở Hà Nội cùng một số địa phương khác. Đến năm 1994, lần đầu tiên Giải vô địch các Câu lạc bộ toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức tại Hà Nội và tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 3, Cầu mây đã chính thức trở thành môn thi đấu của Đại hội.
Năm 1997, lần đầu tiên đội tuyển nữ Cầu mây quốc gia được thành lập, tập huấn, tham dự SEA Games 19 tại Indonesia và giành Huy chương Đồng. Cho đến nay, Cầu mây đã liên tiếp giành được nhiều huy chương tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.