Những sự trở lại kỳ diệu

Ngày 6/4 vừa qua, khi vào sân thay Gerard Pique ở phút 70 của trận gặp Mallorca, hậu vệ Eric Abidal đã đánh đấu sự trở lại của anh trong đội hình 1 của Barcelona, sau đúng 402 ngày vắng mặt vì ca ghép gan. Đó là một trong những khoảnh khắc kỳ diệu của bóng đá, bởi thông thường, rất hiếm người có thể trở lại sân cỏ sau khi đã phải đối mặt với bệnh tim, bệnh ung thư, những tai nạn nghiêm trọng… Dưới đây là đội hình các ngôi sao (theo sơ đồ 4-3-3) đã chiến thắng bệnh tật, để tiếp tục theo đuổi nghiệp “quần đùi, áo số”.


Tiền đạo


Salvador Cabanas (Urugoay): Tiền đạo này là điển hình cho sự trở lại kỳ diệu như thế. Ngày 25/1/2010, Cabanas bị bắn một phát đạn vào đầu tại một hộp đêm ở Mêhicô. Nhờ được cứu chữa kịp thời nên Cabanas không mất mạng, nhưng sự nghiệp cầu thủ của anh thì lâm vào ngõ cụt. Tuy vậy, với nỗ lực phi thường, Cabanas đã chiến đấu từng giờ, từng phút để có thể quay trở lại sân cỏ. Và anh đã “chiến thắng” vào ngày 15/4/2012, tức là sau hơn 2 năm điều trị và tập luyện. Cabanas sẽ không bao giờ quên được câu chuyện khủng khiếp đó, đơn giản bởi nếu muốn, anh cũng không thể. Viên đạn hiện vẫn nằm trong đầu để nhắc nhở anh.

Cabanas là một biểu tượng tại Urugoay. Ảnh: internet


Antonio Cassano (Italia): Năm 2011, sau một trận đấu với AC Milan tại Rôma, cầu thủ lắm tài nhiều tật của bóng đá Italia bị ngất trên đường trở về Milan. Nguyên nhân sau đó được xác định là do anh bị dị tật tim. “Tôi đã sợ chết. Và khi nỗi sợ đó đi qua, tôi lại nghĩ đến chuyện chấm dứt đá bóng”, tiền đạo hiện khoác áo Inter Milan tâm sự. Cassano đã phải phẫu thuật tim và nhiều người nghĩ đến điều tồi tệ nhất cho anh. Nhưng tới tháng 4/2012, anh đã trở lại thi đấu và góp phần đưa đội tuyển Italia tới trận chung kết Euro 2012. Mọi người bây giờ đã nhìn Cassano với một ánh mắt khác, đầy ngưỡng mộ.

Bây giờ, không ai nghĩ Cassano bị bệnh tim. Ảnh: zimbio


Franck Ribery (Pháp): Năm mới lên 2 tuổi, Ribery đã bị tai nạn ô tô nghiêm trọng, với di chứng là những vết sẹo chằng chịt trên khuôn mặt anh như hiện nay. Quá nhỏ để có thể nhận biết những gì đã xảy ra năm đó, nhưng Ribery đã lớn lên cùng với những lời chế giễu. “Những vết sẹo khiến tôi đau đớn, nhưng chính chúng cũng làm tôi mạnh mẽ hơn”, cựu cầu thủ của Marseille cho biết. Bây giờ, Ribery đã là một ngôi sao của Bayern và anh thậm chí còn có biệt danh là “Kaiser” (Hoàng đế), vốn chỉ được người Đức dùng để gọi Frank Beckenbauer huyền thoại.


Tiền vệ


Kaka (Brazil): Giành Quả bóng vàng năm 2007, Kaka nổi tiếng với những bước chạy thanh thoát và lối chơi thông minh. Dù đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh vị trí tại Real Madrid, nhưng Kaka vẫn luôn được xem là một trong những tiền vệ tấn công hay nhất thế giới. Để có một sự nghiệp như hiện nay, ít người biết Kaka đã phải vượt qua một tai nạn nghiêm trọng năm 18 tuổi. Anh bị vỡ đốt xương sống thứ 6, một chấn thương có thể khiến anh bị liệt vĩnh viễn. Nhưng Kaka đã quyết tâm cho cả thế giới biết đến thứ bóng đá của anh và anh đã làm được. Người nâng đỡ về mặt tinh thần đối với Kaka chính là Chúa. Vì vậy mà hình ảnh thường thấy sau mỗi pha ghi bàn của Kaka là anh luôn ngửa mặt lên trời cầu nguyện.


Fabien Lemoine (Pháp): Đây chắc chắn là một trong những câu chuyện đẹp nhất ở Ligue 1. Ngày 14/8/2010, trong trận đấu giữa Rennes và Nancy, Lemoine đã va phải đầu gối của Reynald Lemaitre trong một pha tranh chấp bóng bổng. Tất cả các khán đài nín thở. Lemoine được cáng ra khỏi sân với một “bản án” được tuyên: Thận phải của anh bị vỡ làm ba. Sau một ca phẫu thuật và nhiều tháng điều trị, Lemoine đã trở lại giải vô địch Pháp trong sự kinh ngạc của mọi người (trận gặp Valenciennes). Câu chuyện của anh với Rennes đã kết thúc, nhưng người ta hiện biết đến một Lemoine vẫn phong độ trong màu áo Saint-Etienne.


Khalilou Fadiga (Senegal): Năm 2003, sự nghiệp của tiền vệ này đột ngột rẽ sang một hướng khác. Đang tràn đầy hy vọng và phấn khích, vụ chuyển nhượng của anh từ Auxerre tới Inter Milan bỗng chốc biến thành cơn ác mộng. Trong cuộc kiểm tra y tế, các bác sĩ của Inter phát hiện ra Fadiga bị bệnh tim và kế hoạch khám phá Serie A của anh bất thành. Năm 2004, Fadiga được phẫu thuật tim và bỏ lại sau lưng nỗi thất vọng Italia. Sau khi hồi phục sức khỏe, Fadiga đã chuyển tới Anh thi đấu (Bolton, Derby, Coventry) và tìm lại được nụ cười.


Hậu vệ


Darren Fletcher (Scotland, cánh phải): Nhờ sự đa năng của mình, Fletcher đóng một vai trò quan trọng trong đội hình của Manchester United cho tới khi anh bị bệnh nghiêm trọng, buộc phải xa sân cỏ trong nhiều tháng. Nhưng đến đầu mùa giải này, nỗ lực và sự kiên nhẫn của Fletcher đã được đền đáp: Anh đã trở lại thi đấu. Mặc dù sau đó, mùa giải của Fletcher phải sớm kết thúc để nhường chỗ cho một ca phẫu thuật viêm ruột kết, người hâm mộ Man Utd vẫn hy vọng cầu thủ người Xcốtlen sẽ bình phục hoàn toàn trong thời gian không xa.


Joleon Lescott (Anh): Năm 1987, Lescott khi đó lên 5 tuổi. Đam mê bóng đá, anh dành mọi thời gian rảnh để chơi bóng ở sân trường của mình tại Birmingham. Một hôm, khi tan trường, cậu bé người Anh đã bị xe hơi tông phải và kéo lê đi vài mét. Mẹ của Lescott bất lực chứng kiến cảnh tượng đau lòng. Tuy nhiên, đến giờ phút này thì ký ức về vụ tai nạn đó đã lùi xa. Lescott đã chứng tỏ được tài năng của mình tại Manchester City, cũng như tại đội tuyển Anh.


Thiago Silva (Brazil): Ít người biết rằng sự nghiệp của trung vệ tài năng người Braxin đã có lúc bị đe dọa nghiêm trọng. Năm 2005, khi rục rịch chuyển đến thi đấu cho Dinamo Moscow, sức khỏe của Silva bắt đầu sa sút, buộc anh phải tiến hành những cuộc kiểm tra toàn diện. Kết quả là Silva bị bệnh lao, gây ra chứng khó thở. “Khi bác sĩ chỉ cho tôi kết quả chụp phim phổi, tôi đã rất thất vọng và khóc nức nở”, Silva nhớ lại. Nhưng kể từ đó, anh đã dần chiến thắng bệnh tật và phần tiếp theo của câu chuyện thì ai cũng đều biết: Silva đã tỏa sáng tại AC Milan và bây giờ là tại Paris SG, cũng như trong màu áo đội tuyển Braxin.

Abidal đã trở lại sau ca ghép gan. Ảnh: zimbio


Eric Abidal (Pháp, cánh trái): Abidal đã bước lên những nấc thang mới trong sự nghiệp kể từ khi rời Lyon để gia nhập Barcelona. Thế nhưng, cũng chính tại xứ Catalan, hậu vệ người Pháp đã phải chịu đựng nỗi đau của bệnh tật. Tháng 3/2011, Abidal bắt đầu chiến đấu với một khối u gan. Một tháng rưỡi sau đó, anh trở lại thi đấu trong trận gặp Real Madrid tại bán kết Champions League. Đến ngày 28/5/2011, mọi người đều vui về cái kết có hậu cho Abidal: Anh nâng cao chiếc Cúp vô địch Champions League sau chiến thắng 3-1 trước Man Utd. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”: Vài tuần sau, Abidal phải chịu đựng một ca ghép gan. Đến cuối năm 2012, anh mới bắt đầu trở lại tập luyện. Và sự kiên nhẫn của Abidal đã được đền đáp: Ngày 21/2/2013, đội ngũ y tế của Barca đã cho phép anh trở lại thi đấu.


Thủ môn


Jose Francisco Molina (Tây Ban Nha): Tên tuổi của Molina được biết đến nhiều hơn do anh đã chiến thắng căn bệnh ung thư. Tháng 10/2002, cựu thủ môn của Valencia và Atletico Madrid tưởng như đã phải chấm dứt sự nghiệp vì một khối u tinh hoàn. Trải qua những xét nghiệm, những ca phẫu thuật, những đợt điều trị, 1 năm sau, Molina trở lại thi đấu trong màu áo Deportivo La Coruna. Cựu thành viên đội tuyển Tây Ban Nha đã tiếp tục chơi bóng nhiều năm cho Depor rồi tại Levante, trước khi trở thành HLV của Villarreal. Tháng 3/2012, Molina đã bị Villarreal sa thải, nhưng chắc chắn, điều đó sẽ không thể cản anh tiếp tục theo đuổi công việc của mình.


Huấn luyện viên


Tito Vilanova (Tây Ban Nha): Sau khi thoát ra khỏi cái bóng của Pep Guardiola tại Barcelona, tháng 3/2011, Vilanova bất ngờ lâm bệnh. Tháng 10/2011, ông buộc phải phẫu thuật khối u tuyến giáp, trước khi trở lại với công việc huấn luyện trong mùa hè sau đó. Dưới sự dẫn dắt của Vilanova, Barca liên tiếp gặt hái thành công, nhưng đến tháng 12/2012, ông lại phải phẫu thuật một lần nữa. Mặc dù có cuộc trở lại chớp nhoáng hồi đầu năm 2013, Vilanova vẫn phải sang New York để tiếp tục điều trị trong vòng 2 tháng rưỡi. Hiện tại, ông đã quay trở lại Catalan để cùng Barca hoàn tất một mùa giải ấn tượng.


Bảo An

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN