Nói đến trận chiến giữa hai nhà vô địch F1 James Hunt và Niki Lauda trong mùa giải năm 1976 là nói đến một ví dụ rõ ràng nhất và nhiều cảm xúc nhất về các kỳ phùng địch thủ trong thể thao. Những cặp đôi “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng” có cả một câu chuyện dài về tình bạn, về vinh quang và về cả những đắng cay mà họ phải trải qua với những nỗ lực không ngừng vì đỉnh cao trong sự nghiệp.
Quyền anh vốn đã mang trong mình nhiều kịch tính bởi các trận chiến trực tiếp đầy cam go giữa các võ sĩ. Nhưng cặp đôi kỳ phùng địch thủ mà chắc chắn trong làng quyền anh không quên được là Muhammad Ali và Joe Frazier với 3 trận chiến cũng là 3 bản anh hùng ca.
Những lần đối đầu giữa Ali và Frazier đã đi vào lịch sử làng quyền anh thế giới. |
Lần đầu tiên hai võ sĩ gặp nhau là năm 1971, Frazier đã chấm dứt kỷ lục không thể đánh bại của Ali. Lần thứ hai gặp lại là năm 1974 chứng kiến sự trỗi dậy của Ali. Và lần thứ ba, trận đấu ‘Thrilla in Manila’ cũng là lần gặp mặt định mệnh của hai võ sĩ. Đây là lần gặp cuối cùng giữa huyền thoại Mahammad Ali và Joe Frazier trên đấu trường vô địch quyền anh hạng nặng thế giới diễn ra tại đấu trường Araneta ở Quezon, Manila, Philíppin vào ngày 1/10/1975.
Đây là một trong những trận đấu hay nhất của quyền anh thế giới ở thế kỷ 20 không chỉ bởi 2 cái tên không thể quên trong lịch sử quyền anh - Muhammad Ali và Joe Frazier, mà còn chính bởi những pha đấm đầy sức mạnh của hai võ sĩ. Trận đấu kéo dài tới hết hiệp đấu thứ 14 và cả hai võ sĩ đã gần như kiệt sức. Ở góc màu xanh, Frazier mắt sưng húp và mặt loang máu. Ông không còn nhìn thấy đường nữa. Eddie Futch, HLV của Frazier, nhìn tình trạng của Frazier và quyết định xin thua và ngừng trận đấu, dù Frazier cố gắng cản lại. Trong lúc đó, ở góc đài màu đỏ, Ali đã kiệt sức và yêu cầu HLV của mình Angelo Dundee, cắt găng và dừng trận đấu. Khi nghe tin Frazier đã chịu thua cuộc, Ali đứng dậy, giơ tay lên cao… và ngất xỉu ngay trên sàn. Có thể nói, nếu Futch không dừng trận đấu, thì có lẽ Frazier đã thắng trận chiến lịch sử này.
Mike Tyson và Evander Holyfield cũng trở thành cặp kỳ phùng địch thủ nhưng vì một lý do rất khác. Mất 5 năm trời, các trận đấu giữa họ bị lần lượt hủy bỏ vì lý do khác nhau như những lần vào tù ra tội của Mike Tyson. Cho tới năm 1996, Holyfield đã có chiến thắng áp đảo về điểm số trước Tyson ở hiệp thứ 11. Một năm sau, cơ hội phục thù của Tyson ở Las Vegas đã đến kéo theo một trận đấu không dễ quên trong lịch sử quyền anh khi Tyson cắn đứt tai của Holyfield ở hiệp đấu thứ 3. Trận đấu không chỉ lấy đi chức vô địch mà còn là một kết cục buồn cho một võ sĩ từng là huyền thoại quyền anh.
Quyền anh hạng trung cũng có những cặp kỳ phùng địch thủ tương tự. Đó là trường hợp cả cặp đôi Nigel Benn và Chris Eubank những năm 1990 trong một chuỗi các trận đấu quyết chiến của cả 2. Kể từ năm 1990 khi Eubank đoạt được chức vô địch WBO hạng trung từ tay võ sĩ Nigel Benn, cả 2 liên tục các trận đấu hòa đáng thất vọng. Và mối thù hận của 2 võ sĩ còn kéo dài cho tới tận ngày nay.
Trong quần vợt cũng có những cặp đôi kỳ phùng địch thủ như vậy nhưng ở mức độ hiền hòa hơn rất nhiều. Họ gặp nhau và cùng nhau làm nên những trận quần vợt đi vào lịch sử. Được xem là cặp đôi vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt, Roger Federer và Rafa Nadal gặp nhau trên 30 lần trong vòng 9 năm, 8 lần chạm trán ở chung kết các giải Grand Slam. Cả hai thay nhau đứng ở bảng xếp hạng ATP Tour ở vị trí quán quân và á quân trong suốt từ năm 2005- 2010. Với lợi thế ít hơn Roger Federer 5 tuổi, Nadal cũng có thành tích đối đầu tốt hơn trước Federer là 20-11.
Ở thế hệ trước, Pete Sampras và Andre Agassi cũng là cặp đôi từng có chuỗi trận đấu nhiều duyên nợ bởi sự đối chọi ở cả phong cách thi đấu cũng như tính cách. Sampras nhút nhát và dè dặt lại là người có những cú ra bóng và volley tốt nhất trong lịch sử quần vợt đối chọi với một Agassi nghệ sĩ và phóng khoáng giỏi dìm bóng sát đường biên. Cho tới lần gặp nhau cuối cùng là trận đấu kinh điển tại chung kết Mỹ mở rộng 2002, Sampras vẫn có thành tích đối đầu tốt hơn trước Agassi là 20-14.
John McEnroe và Bjorn Borg cũng là cặp kỳ phùng địch thủ cạnh tranh nhất trong lịch sử quần vợt. Tuy thời gian hai tay vợt này chạm trán khá ngắn là 3 năm nhưng chính thành tích thắng thua 7-7 cho cả 2 tay vợt cho thấy sự kịch tính của các trận đấu mà họ đánh cùng nhau. Kể từ khi tay vợt của thành phố New York McEnroe và chàng trai Thụy Điển trầm tĩnh Borg gặp nhau lần đầu tại Stockholm năm 1978. Trận chung kết Wimbledon 1980 được đánh giá là một trong hai trận đấu hay nhất trong lịch sử làng quần vợt. Sau khi thua John McEnroe liên tiếp hai giải lớn là Wimbledon và Mỹ mở rộng năm 1981, Bjorn Borg bỏ lễ trao giải Mỹ mở rộng mà ra về trước sự ngỡ ngàng của ban tổ chức. Năm sau, Bjorn Borg tuyên bố giải nghệ ở tuổi 26 đã gây chấn động làng quần vợt thế giới.
Còn ở quần vợt nữ là Chris Evert và Martina Navratilova. Cả hai gặp nhau tới 80 lần trong 1 thập kỷ, cùng nhau giành 18 Grand Slam. Tuy nhiên thành tích này vẫn còn kém hơn tay vợt nữ giành nhiều Grand Slam nhất mọi thời đại là Stefi Graf. Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ của chị em Venus và Serena Williams cũng chính là những trận đấu hấp dẫn nhất. Hơn kém nhau 15 tháng, họ đã gặp nhau 24 lần trong các giải quần vợt chuyên nghiệp. Trong đó, cô em Serena giành chiến thắng 14 trận, thua 10 trận.
Lê Sơn