Kỷ niệm Ngày thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2012): Vì một tầm nhìn xa

Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam 2010 - 2020 được kỳ vọng sẽ đưa thể thao nước nhà lên những tầm cao mới trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, rất cần những hành động cụ thể để những chiến lược này biến thành thực tế.

Phấn đấu có HCV Olympic

Chiến lược phát triển TTVN trong 10 năm tới được xem là bước ngoặt trong việc tạo sức bật giúp TTVN có thể đứng vững trên đấu trường quốc tế. Bản chiến lược chủ yếu tập trung vào việc xác định hướng đi của các môn thể thao thành tích cao và được coi là bước chuyển mang tính căn bản cho TTVN trong định hướng phát triển của mình. Theo đó, SEA Games sẽ không còn là đấu trường quốc tế quan trọng nhất với TTVN nữa, mà cần phải hướng đến cái đích xa hơn là Asiad hay Olympic. SEA Games giờ đây chỉ được xác định như một bàn đạp để tấn công Asiad, Olympic.

Điền kinh là một trong những môn thể thao trọng điểm được ưu tiên đầu tư trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020. Ảnh: C.T.V


Theo đó, từ nay đến năm 2020, TTVN chỉ giữ vững mục tiêu tốp 3 SEA Games và mục tiêu cao nhất trong giai đoạn này là phấn đấu đạt vị trí 14 đến 12 tại Asiad 2019, phấn đấu có càng nhiều VĐV lọt qua vòng loại Olympic càng tốt. Và đặc biệt trong chiến lược, đã đặt mục tiêu TTVN phấn đấu đến Olympic 2020 sẽ có HCV. Để đạt mục tiêu này, sẽ có 32 môn thể thao trọng điểm, trong đó có 10 môn được xếp vào nhóm I gồm: Điền kinh, bơi, cử tạ, karatedo, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, boxing (nữ), vật (hạng cân nhẹ), bắn súng. Theo TTK kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, chiến lược 2010 - 2020 như một “sợi chỉ đỏ” dẫn đường và giờ đây, TTVN cần phải tập trung toàn diện để đi theo con đường đã chọn. Còn nói về mục tiêu đoạt HCV tại sân chơi Olympic, ông Giang đánh giá đó là một kế hoạch rất khả quan, dựa trên những gì mà TTVN đã đạt được cũng như kế hoạch được chuẩn bị chu đáo phía trước.

Không ít chông gai

10 năm được xem là một thời gian không dài và liệu có đủ để đưa một nền thể thao tiến lên? Tất cả phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng lòng, chung sức không chỉ của các lãnh đạo thể thao nước nhà. Những dự báo về khó khăn được đưa ra ngay từ khi chiến lược được phê duyệt. Bản thân những người thực hiện bản chiến lược giờ đây vẫn đang phải loay hoay với những viên gạch đặt nền móng đầu tiên của mình. Chiến lược phát triển mới đã được đề ra và có rất nhiều chủ trương, biện pháp, nhưng thực hiện thành công nó hay không lại là một vấn đề khác.

Trong một chiến lược dài hơi, việc phát triển từ cấp cơ sở là điều rất quan trọng, nhưng vấn đề nay lại đang bị ngành thể thao bỏ ngỏ, hoặc có đầu tư thì cũng chưa đủ để có thể nâng tầm lên. Đơn cử như việc để có 1 VĐV thành tích cao, đòi hỏi VĐV đó phải được chăm lo từ khi còn học trong nhà trường. Thế nhưng theo một khảo sát mới đây, bình quân đầu người trên số m2 tập luyện thể thao trong nhà trường (sân bãi, bể bơi...) chỉ là 2 m2, trong khi các nước phát triển như Đức, Pháp yêu cầu bắt buộc là trên 11 m2. Trong khi đó, ở một góc độ phát triển khác, việc từ nay đến năm 2020 có quá nhiều dự định đăng cai các đại hội lớn của nước chủ nhà như Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016, SEA Games 2017 hoặc 2019, Olympic trẻ, Asian Games 18 và hàng chục các giải đấu lớn khác. Đây sẽ là bài toán không đơn giản bởi Việt Nam sẽ bị cuốn vào công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, kế hoạch tổ chức... nếu không khó kịp tiến độ. Đó là chưa kể lực lượng đỉnh cao hiện nay còn quá mỏng, thiếu lớp kế cận trầm trọng; mức độ đầu tư, tập huấn, thi đấu cọ xát còn nhiều hạn chế do kinh phí hạn hẹp...

Xem ra kế hoạch hoàn thành chiến lược phát triển trong 10 năm tới của ngành thể thao còn nhiều chông gai lắm!

Anh Chi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN