Khi EURO là một quán bar

Raymond Chandler bảo: "Rượu cũng như tình yêu. Nụ hôn đầu thật là kỳ diệu. Nụ hôn thứ hai là thân thiết. Nụ hôn thứ ba trở thành thủ tục. Sau đó, bạn sẽ cởi quần áo của cô gái".


Tôi không tin là thế, ít nhất là trong một bar ở Kiép, sau khi uống hết li vodka thứ ba cùng những bạn mới quen chóng vánh trong tiếng nhạc ầm ỹ đến tức thở, trong mùi thuốc lá khét lẹt, tiếng cụng li ầm ỹ của những dáng người nhảy nhót phía trước trong nửa sáng nửa tối của ánh đèn và tiếng hát trầm khàn của một cô ca sĩ phòng trà thỉnh thoảng phát âm sai vài chữ tiếng Anh khi cover lại một bản của Shakira. Chẳng có ai cởi áo, trừ mấy tay đàn ông người Đức đã trót đặt vé đến tận sau trận chung kết mới trở về đang đứng lắc lư theo nhạc bên bàn của mình. Họ đã tin rằng đội của mình sẽ vào chung kết ở Kiép và đã đặt tour trước đó cả tháng. Họ đã mơ rằng đội bóng của Low sẽ đăng quang. Nhưng...


Giờ thì họ ở đây, say sưa nhảy múa và uống như chưa bao giờ được uống để quên đi nỗi thất vọng lớn lao. Hai năm trước, ở Johannesburg, họ đã như thế khi Đức bị một cú đánh đầu của Puyol đánh bại. Hai năm trước, ở Vienna, họ cũng vậy sau khi bị Tây Ban Nha đánh bại trong trận chung kết. Những giọt nước mắt đổ xuống sau thất bại và nỗi thất vọng lớn lao sau đó nhanh chóng được phủ lấp bởi những cuộc vui thâu đêm trong những quán bar. Tôi đã đọc được đâu đó, rằng chỉ vui người ta mới ăn mừng. Nhưng trong một tháng EURO, các bar Ucraina tràn ngập tiếng cụng li và những cú lắc hông của bao kẻ thất bại. Tại sao phải buồn, khi cuộc đời còn những cuộc vui?


 

Đêm ở một quán bar.

 

Quan niệm cũ kỹ, giáo điều và già cỗi cho rằng, bar là một cái gì đó rất tiêu cực, của "dân chơi". Chúng ta không thể định nghĩa vài trăm triệu thanh niên châu Âu là những người như thế một khi những đêm đi bar giải phóng cho họ sức ép, tăng thêm cho họ năng lượng và giúp họ giải trí? Docker's ở ngay cạnh khu fanzone ở trung tâm Kiép, nơi lúc nào cũng tập trung một lượng rất lớn người Ucraina đến xem bóng đá. Cổ động viên của các đội thường chỉ đến đấy khi đội của họ đá. Những ngày trận đấu diễn ra, họ gần như không đến fanzone mà tụ tập ở bar. Tôi đã dự một cuộc vui điên rồ như thế ở một quán Irish Pub. Những người Italia chiến thắng sau trận tứ kết với Anh đã ăn mừng bằng bia và những tiếng hát cho bài "Azzurro" của Adriano Celentano. Hàng chục người Italia đã thâu đêm ở đấy, dù sáng hôm sau lại ra máy bay sớm lên đường trở lại Ba Lan, theo chân đội tuyển họ đến nơi đóng quân ở Krakow.


Tôi lại dự một cuộc vui khác ở một bar khác mới mở trong Arena City, nơi ăn chơi bậc nhất của Kiép. Những cô gái bar không cởi, nhưng bắt những cổ động viên của Italia và Tây Ban Nha vừa đổ bộ xuống Kiép buổi chiều trước đó cho trận chung kết phải "cởi" ví, bằng sự quyến rũ và cả ma lanh của mình. Khi đám fan hai đội bắt đầu hát chung một bài nào đó, cả bar vui như chợ vỡ và đám gái xinh đẹp kia tiếp tục "móc túi" khách theo cách của riêng họ: Một kiều nữ cao và xinh như mộng mời một ai đó uống một ly rượu đặt giữa đôi gò bồng đảo của cô ta với giá 100 hriva (xấp xỉ 12 USD). Đám fan Italia và Tây Ban Nha, những kẻ giàu hơn trong số biết bao đồng bào đang trở nên nghèo kiết xác ở quê nhà, tranh nhau uống. Tôi dám cá đó là chai rượu đắt nhất thế giới.


Một lần khác, ở bar sang trọng D*Lux, lại là họ, những cô gái xinh đẹp tóc vàng kiếm tìm những người bạn tình/bạn đời ngoại quốc. Người ta bảo, "đặc sản" của Ucraina chính là gái đẹp. Điều đó không sai chút nào. EURO là một cơ hội tuyệt vời để không ít cô gái đổi đời, nhưng như báo chí Ucraina nói, không ít những cô như thế đã thất vọng. Đám cổ động viên nước ngoài đổ vào Ucraina, không ít anh trong đó trông đẹp trai như Casanova, thực ra chỉ muốn "vui vẻ một chút thôi".


Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế này, không ai dám liều lĩnh "đầu tư" một cách lâu dài vào một mối nào đó, và ý nghĩa của việc vui chơi đôi khi dừng lại ở những quán bar, khi các trận đấu của EURO được chiếu trên những màn hình tivi, phía trước một đám người cuồng điên đến đó vì không có vé vào sân, vì không thích không khí nhộn nhạo của những khu fanzone, và vì muốn kiếm tìm những cảm giác mà không nơi nào có được. Những quán bar vốn đầy chật ở trung tâm Kiép (và được đánh giá là rất tốt) trở thành biểu tượng của một thế giới toàn cầu hóa với đủ màu da và quốc tịch trong đó, ở một giải đấu mà tình yêu với bóng đá và tinh thần giải trí sau đó là điều quan trọng nhất. Mà thực ra khi không có EURO thì những không gian ấy cũng đã luôn tràn ngập tiếng cười. Chỉ có điều, sau khi trái bóng ngừng lăn, các cổ động viên rút đi, sẽ bớt vui hơn. Bao giờ một giải đấu bóng đá lớn như thế mới trở lại nơi này?


Một buổi tối, tôi ngồi rất lâu với Oleksandr, một bartender của Mantra, một trong những hộp đêm hay nhất Kiép. Cậu thanh niên đẹp trai và luôn làm xiếc tung hứng trong những lúc pha cocktail trước sự chứng kiến một cách hứng khởi và hăm hở ấy bảo rằng, "Cuộc đời cũng như một quán bar. EURO cũng như một bar. Có người đến rồi cũng có người đi. Nhưng lúc nào cũng phải vui, không bao giờ được buồn và đổ vỡ vì một điều gì đó".


Bóng đá cũng thế. Trận chung kết đã đá. 31 trận đã đi qua. Đã có người thắng và kẻ thua. Điều còn lại cuối cùng của một giải đấu đã đi qua là ấn tượng với biết bao người hâm mộ. Khi đến với Ucraina và Ba Lan, họ luôn đặt ra câu hỏi là họ được gì và không được gì. Có người thất vọng, người hạnh phúc. Và chờ đợi 2 năm nữa cho đến World Cup. Braxin 2014 chắc chắn sẽ nóng bỏng lắm, nóng bỏng như lễ hội Carnaval và như các cô gái bên bờ biển Rio. World Cup ấy sẽ là một cái bar khổng lồ ở ngoài trời. Dù thế nào đi nữa, cũng phải vui, đúng không?


Anh Ngọc (từ Kiép)

Tự hào vì màu cờ sắc áo không hề phai
Tự hào vì màu cờ sắc áo không hề phai

Đối với những người Italia và Tây Ban Nha, lọt vào được trận chung kết EURO ở Kiép là một điều tuyệt vời nhất mà đội tuyển đã đem đến cho họ trong thời điểm khủng hoảng kinh tế nặng nề này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN