Kết thúc một thế hệ vàng Premier League

Có một sự trùng hợp kỳ lạ: Trong một mùa hè mà nhà chiến lược đại tài Alex Ferguson và tiền vệ ngôi sao David Beckham cùng quyết định giã từ sự nghiệp, một loạt danh thủ khác của bóng đá Anh cũng rời cuộc chơi. Cả một trang lịch sử Premier League đã được lật qua, với những cái tên: Paul Scholes, Michael Owen, Jamie Carragher, Phil Neuville... Đầy tiếc nuối!


Thiên tài Scholes


Lần này, tấm màn nhung đã thực sự buông xuống. Không còn gì có thể níu kéo Paul Scholes được nữa. Ở tuổi 38, Scholes thực ra vẫn còn có thể chơi bóng, nhưng anh không muốn là một “thần tượng” trên ghế dự bị tại Manchester United. Alex Ferguson cũng không còn ở đó để có thể thuyết phục cậu học trò cưng của mình hủy bỏ quyết định giải nghệ, quay trở lại “giúp Man Utd một tay” như trong mùa giải trước. Bài toán “Làm sao lấp khoảng trống của Scholes” chắc sẽ còn ám ảnh Man Utd một thời gian dài nữa…


Chiếc Cúp Premier League thứ 11 của Scholes.


Trong năm 2012, cuốn sách “The Secret Footballer” (tạm dịch là “Cầu thủ giấu mặt”) đã gây chấn động làng bóng đá Anh và thế giới. Những “ngóc ngách” của giới cầu thủ Premier League, từ chuyện xung đột trong phòng thay đồ, cho tới những thói chơi bời vô độ, đều đã được phơi bày trước những ánh mắt vừa lên án, vừa tò mò của giới mộ điệu. Tuy nhiên, nhân vật khuyết danh nổi tiếng đó cũng không quên nhắc đến Scholes với sự ngưỡng mộ lớn. Đặt Scholes trên một bậc so với những Wayne Rooney, Thierry Henry, Cristiano Ronaldo, Robin van Persie hay Didier Drogba, tác giả đã mô tả tiền vệ người Anh trong một màn khởi động trước trận đấu: “Tôi thực sự không hiểu bóng đá là như thế nào, trước khi thấy Paul Scholes lần đầu tiên. Một màn biểu diễn chuyền bóng, kiểm soát bóng hoàn hảo mà tôi chưa từng được chứng kiến”.


Tất nhiên, Scholes còn “trên cả tuyệt vời” trong các trận đấu. Hãy lắng nghe các danh thủ bóng đá thế giới, các HLV hàng đầu nói về anh. Socrates: “Anh ấy đủ tài năng để chơi bóng cho đội tuyển Braxin”. Henry: “Không nghi ngờ gì, anh ấy xuất sắc nhất Premier League”. Marcelo Lippi: “Một tiền vệ quá ư hoàn hảo, với những khả năng chơi bóng và một cá tính hiếm có”. Zinedine Zidane: “Một trong những điều tiếc nuối nhất trong sự nghiệp của tôi là không thể cùng anh ấy thi đấu trong một đội”. Xavi Hernandez: “Anh ấy là hình mẫu của tôi. Anh ấy có tất cả: Những đường chuyền quyết định, những bàn thắng, nhãn quan chiến thuật, không bao giờ mất bóng và cũng rất quyết liệt. Nếu là người Tây Ban Nha, anh ấy sẽ còn được đánh giá cao hơn nữa”. Và Pep Guardiola: “Tiền vệ xuất sắc nhất trong thế hệ của anh ấy. Nếu phải chọn trong số tất cả các cầu thủ Man Utd, tôi sẽ chọn anh ấy”.


Những lời khen ngợi, những giai thoại như thế về Scholes có kể cả ngày cũng không hết. Anh thực sự là một trong số ít những tài năng nổi bật mà bóng đá thế giới đã sản sinh ra trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây. Và anh đã tỏa sáng theo cách rất riêng, bằng tình yêu vĩnh cửu với Man Utd, bằng hiệu quả công việc, chứ không bằng lời nói, khiêm tốn như chính con người anh vậy.


Trong hơn 2 thập kỷ ở Man Utd và thi đấu tròn 700 trận chuyên nghiệp, Paul Scholes đã giành được tổng cộng 11 chức vô địch Premier League, 3 FA Cup, 2 Cúp Liên đoàn Anh và đặc biệt là 2 danh hiệu vô địch Champions League. Gần như khởi đầu cùng lúc với HLV Alex Ferguson và kết thúc với Ferguson, những gì mà HLV người Xcốtlen giành được tại Old Trafford cũng ghi dấu ấn của Scholes (hay Paulo, những cái tên mà người hâm mộ trìu mến gọi anh).

Sinh ra tại Langley (ngoại ô Manchester), Scholes là một phát hiện của Ferguson sau khi ông đặt chân tới sân Old Trafford năm 1986 và áp dụng chính sách tuyển mộ các tài năng trong vùng. Ở tuổi 14, Scholes gia nhập lò đào tạo Man Utd, năm 1988. Phần còn lại là những bước chân huyền thoại: Anh ghi 5 bàn trong 17 trận, ở mùa giải đầu tiên tại Premier League (1994 -1995); cùng với Beckham, Roy Keane và Ryan Giggs tạo thành bộ tứ tiền vệ nổi tiếng nhất của Man Utd; giành cú ăn ba lịch sử năm 1999…


Điều đáng tiếc nhất trong sự nghiệp của Scholes có lẽ là việc anh không đóng góp được nhiều cho đội tuyển Anh. Hay đúng hơn, quyết định giã từ sự nghiệp quốc tế của Scholes năm 2004 (29 tuổi) là một trong những “thảm họa” lớn nhất của bóng đá Anh trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Trước chủ đề dài kỳ “Steven Gerrard, Paul Scholes hay Frank Lampard?”, tranh cãi về những lựa chọn cho hàng tiền vệ đội tuyển Anh, Scholes đã quyết định dừng bước, để cống hiến 100% cho Man Utd. Scholes đã không bao giờ trở lại ĐTQG nữa, bất chấp những mời mọc của các HLV Steve McLaren (World Cup 2006) và Fabio Capello (World Cup 2010). Một thế hệ vàng của đội tuyển Anh (còn có những cái tên khác như Owen, John Terry, Rio Ferdinand, Ashley Cole…) rốt cuộc đã chẳng ghi được dấu ấn nào đặc biệt.


Dù sao, với Scholes, điều đó giờ cũng chẳng quan trọng nữa. Thay cho đam mê chơi bóng, anh giờ dành nhiều thời gian ở bên Claire, người bạn đời mà anh quen biết từ khi còn là một đứa trẻ. Và cả hai cùng chăm sóc 3 đứa con, bé nhất là Aiden và lớn nhất là Arron. Cậu cả Arron đang bắt đầu được bố dạy chơi bóng đá. Liệu chúng ta sẽ được thấy một người thừa kế xứng đáng của dòng họ Scholes?



Bảo An

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN