Hướng tới Asiad 2014: Vật - đổi vận nhờ Lụa?

Là đô vật Việt Nam duy nhất từng tham dự Olympic và giành huy chương Asiad, Nguyễn Thị Lụa một lần nữa mang theo niềm hy vọng của bộ môn vật tới Incheon (Hàn Quốc).


10 khó đổi được 1


Hơn 10 năm trở lại đây, môn vật là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam tại đấu trường Đông Nam Á. Tại SEA Games 27 vừa qua, các đô vật Việt Nam đã giành được tới 10 Huy chương Vàng, góp công lớn vào thành tích xếp thứ 3 chung cuộc của đoàn thể thao Việt Nam. Sự áp đảo của vật Việt Nam tại sân chơi khu vực lớn đến nỗi, các nhà tổ chức SEA Games luôn tìm cách hạn chế nội dung thế mạnh của Việt Nam, hoặc các đối thủ chọn cách bỏ cuộc sớm (mỗi nội dung phải có ít nhất 3 vận động viên mới tiến hành thi đấu) để ngăn cản các đô vật Việt Nam bước lên bục đăng quang.

 

Nguyễn Thị Lụa với tấm Huy chương Vàng tại SEA Games 27.

 


Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi châu Á thì mọi chuyện hoàn toàn khác, các đô vật Việt Nam lại trở nên nhỏ bé. Đơn giản vì châu Á là nơi quy tụ nhiều đô vật đẳng cấp thế giới, đến từ Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Mông Cổ, Kazakhstan, Ấn Độ, Uzbekistan, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên… Đó là lý do khiến thành tích của vật Việt Nam tại Asiad vẫn chỉ hạn chế ở tấm Huy chương Bạc duy nhất của Nguyễn Thị Lụa năm 2010. Ở giải vô địch châu Á, ngoài Lụa (HCĐ năm 2010, HCB năm 2014), thì cũng chỉ có Vũ Thị Hằng là từng vinh dự đứng trên bục nhận huy chương (HCB năm 2013).

Qua cách sắp xếp thi đấu tại giải vô địch châu Á 2014, có thể thấy bộ môn vật Việt Nam đã xác định được những hạng cân trọng điểm cho Asiad 17: Vũ Thị Hằng (48 kg nữ), Nguyễn Thị Lụa (53 kg nữ), Lý Thị Hiền (63 kg nữ); Tạ Hồng Tuấn (57 kg nam), Nguyễn Thế Anh (61 kg nam), Cấn Tất Dự (70 kg nam).


Thực tế đó cho thấy, việc đổi 10 HCV SEA Games lấy 1 HCV Asiad luôn là niềm mơ ước, là thách thức mang tính lịch sử đối với vật Việt Nam. Dù nằm trong nhóm 15 môn được Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) “quy hoạch” là có khả năng cạnh tranh huy chương Asiad 17, nhưng vật Việt Nam lại không thuộc nhóm 6 môn “mũi nhọn” cho mục tiêu HCV là vì thế.


Theo ông Nguyễn Thế Long, Trưởng bộ môn vật - Tổng cục TDTT, một khó khăn nữa cho vật Việt Nam trước thềm Asiad 17 là kể từ đầu năm 2014, Liên đoàn vật thế giới (FILA) đã thay đổi các hạng cân thi đấu Olympic và cũng được áp dụng tại Asiad. Một số hạng cân trọng điểm của Việt Nam bị ảnh hưởng và buộc phải thay đổi bằng cách ép cân, hoặc đôn cân. Ép cân nghĩa là đô vật phải giảm trọng lượng cơ thể để thi đấu ở hạng cân nhẹ hơn, còn đôn cân là chấp nhận thi đấu ở hạng cân nặng hơn so với trọng lượng cơ thể.


Cụ thể hơn, Nguyễn Thị Lụa sẽ không còn thi đấu ở hạng cân 51 kg vật tự do nữ như tại SEA Games 27, mà sẽ phải thi đấu ở hạng 53 kg. Tương tự như vậy, Nguyễn Thế Anh vốn sở trường hạng 60 kg vật tự do nam, nay sẽ phải thi đấu hạng 61 kg... Thay đổi hạng cân như vậy cũng đồng nghĩa với việc các đô vật sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ “nặng ký” hơn, cả về cân nặng thực và tính chuyên môn.


Gọi tên Lụa


Đứng trước những khó khăn như vậy, bộ môn vật buộc phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhằm phấn đấu hoàn tất mục tiêu huy chương tại Asiad 17 (môn vật sẽ thi đấu từ ngày 27/9 - 1/10). Ngoài 2 đội vật tự do nam và nữ đã được tập trung sớm, đội vật cổ điển nam cũng đã bắt tay vào giai đoạn chuẩn bị kể từ tháng 5 này. Trụ cột của đội tuyển vẫn là những gương mặt đã thi đấu thành công tại SEA Games cuối năm 2013.


Nhằm khởi động cho giai đoạn chạy đà hướng tới Asiad 17, các đô vật Việt Nam đã tham dự giải vô địch châu Á 2014, tại Astana (Kazakhstan), cách đây 1 tháng. Lãnh đạo bộ môn đánh giá, giải không chỉ là một cuộc tranh tài đơn thuần, mà còn là dịp để vật Việt Nam nắm bắt thêm thông tin về sự chuẩn bị và lực lượng của nhiều đối thủ tại Asiad 17.


Với việc là đô vật Việt Nam duy nhất giành được huy chương tại Astana (HCB, nội dung 53 kg vật tự do nữ), Nguyễn Thị Lụa đã một lần nữa khẳng định vai trò “đầu tàu” của mình, khi bộ môn bước ra sân chơi châu Á. Dù phải thi đấu với các đối thủ nặng cân hơn (hạng cân sở trường của Lụa là 48 kg), nhưng cô gái quê lụa Hà Tây (cũ) vẫn xuất sắc vượt qua các đối thủ người Kyrgyzstan và Uzbekistan, trước khi thất bại trước Zhong Xeuchun (Trung Quốc) ở trận tranh HCV. Tại giải này, So Sim-hyang (CHDCND Triều Tiên) bị loại từ vòng đầu. Đây là đô vật từng đánh bại Lụa ở trận chung kết hạng cân 48 kg tại Asiad 2010.


Nhằm củng cố cơ hội tranh chấp huy chương tại Asiad 17, bộ môn đã lên kế hoạch cho Lụa và một số đô vật trọng điểm đi tập huấn dài hạn tại CHDCND Triều Tiên. Nhưng cho dù thế nào, Lụa - đô vật từng góp mặt ở Olympic London 2012, vẫn là niềm hy vọng lớn nhất của vật Việt Nam tại Incheon, bên cạnh một số ít cái tên có thể tạo nên bất ngờ như Vũ Thị Hằng, hay Lý Thị Hiền. “Cơn hạn” HCV SEA Games của Lụa đã giải hồi cuối năm 2013, giờ là lúc đổi vận ở Asiad?


Song Long

SEA Games 26: Các đô vật giành thêm 2 HCV - Việt Nam giành được 54 HCV
SEA Games 26: Các đô vật giành thêm 2 HCV - Việt Nam giành được 54 HCV

Trong ngày thi đấu thứ 3 của môn vật, chiều 16/11, các đô vật Việt Nam đã giành thêm 2 HCV ở các hạng cân 55kg và 60kg của nam, nâng tổng số HCV mà đội giành được lên con số 5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN