Gianluigi Buffon, "cận vệ" cuối cùng của Italy. |
Có lẽ, với kinh nghiệm hàng chục năm thi đấu đỉnh cao trong màu áo tuyển Italy và câu lạc bộ (CLB) Juventus, Buffon hiểu rõ sự cạnh tranh khốc liệt trong những giải đấu lớn.
Với hơn 20 mùa bóng ở cấp CLB và 157 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, sự nghiệp của Buffon đã có đầy đủ mọi bước thăng trầm. Bắt đầu với vai trò dự bị cho Gianluca Pagliuca và Francesco Toldo tại World Cup 1998, Buffon bỏ lỡ chơi chính tại EURO 2000 vì chấn thương.
Tại World Cup 2002, anh đã chứng kiến Brazil lên ngôi vô địch, trong khi Italy thua tức tưởi đội chủ nhà Hàn Quốc. Hai năm sau đó, tuyển Italy lại không thể vươn tới đỉnh vinh quang trong một giải đấu mà Hy Lạp gây bất ngờ cho cả thế giới.
Và rồi, điều gì tới cũng phải tới. Thế hệ được coi là "cận vệ" của tuyển Italy, hay còn gọi là những cầu thủ 7x, đã giành được chiến tích huy hoàng trên đất Đức. Bỏ lại sau lưng "bóng ma" về các vụ dàn xếp tỷ số ở Serie A, Buffon cùng các đồng đội đã trình diễn một thứ bóng đá hoàn hảo tại World Cup 2006.
Nhưng cũng như những lần trước, cứ mỗi khi Italy được đặt nhiều kì vọng, họ lại không thể đáp lại được. Tại những giải đấu lớn sau đó, đội bóng "Thiên thanh" chơi không đúng sức và sớm dừng bước. Thời gian qua đi, những đồng đội trong thế hệ "cận vệ" của anh như Paolo Maldini, Fabio Cannavaro, Alexandro Nesta, Alexandro Del Piero hay Filipo Inzighi... đều nói lời chia tay đội tuyển.
Tại giải đấu trên đất Brazil cách đây hai năm, đứng cạnh Buffon vẫn còn một Andrea Pirlo. Tuy nhiên, cũng như mọi lần khác, Pirlo sau đó đã chuyển sang Mỹ thi đấu để "dưỡng già". Giờ đây, tuyển Italy chỉ còn đúng Buffon, người sót lại từ thế hệ "cận vệ" đã lên ngôi ở World Cup 1998.
Tại giải đấu sắp diễn ra ở Pháp, vai trò của Buffon vô cùng quan trọng khi tuyển Italy đã mất đi những thủ lĩnh khác trong đội hình. Chấn thương đã buộc "Andrea Pirlo mới" là Marco Verratti và tiền vệ Claudio Marchisio lỡ hẹn với EURO 2016. Với rất nhiều cầu thủ trẻ và những cầu thủ mới lần đầu được gọi tập trung cho một giải đấu lớn, Italy rất cần kinh nghiệm của Buffon vào lúc này.
Trong những trận đấu giao hữu vừa qua, có thể thấy rõ việc Buffon luôn đưa ra những lời chỉ đạo yêu cầu các đồng đội chơi quyết liệt và tập trung hơn. Với một đội hình không được đánh giá cao như Đức, Tây Ban Nha hay Pháp, lối chơi của Italy dưới thời HLV Antonio Conte sẽ tập trung từ hàng phòng ngự, nơi Buffon là hạt nhân.
Hầu hết các cầu thủ, kể cả thủ môn, đều cho thấy dấu hiệu của tuổi tác lúc thi đấu khi bước qua tuổi 30. Tuy nhiên, với Buffon, thời gian dường như không ảnh hưởng tới phong độ của anh. Trong mùa giải vừa qua, Buffon là một trong những thủ môn có tỷ lệ cứu thua tốt nhất châu Âu. Làm sao điều này có thể xảy ra?
Tờ "La Stampa" của Italy đã thử hỏi Buffon trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4/2016. Anh nói: "Khi chưa tới 30 tuổi, tôi thi đấu dựa vào năng lực tự nhiên, cộng với quá trình tập luyện của môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng kể từ khi bước qua tuổi 30, tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm rằng cần phải hoàn thiện các kỹ năng khác vì cạnh tranh trong môi trường bóng đá hiện đại rất khắc nghiệt".
Để có một câu trả lời rõ ràng hơn, tờ "La Stampa" đã hỏi đồng đội của anh ở cả Juventus và tuyển Italy - trung vệ Geogre Chiellini. Anh này nói: "Điều gì đã giúp Gigi trở nên đặc biệt ư? Tôi nghĩ vì anh ấy là thủ môn hay nhất thế giới. Trong sự nghiệp của mình, tôi có may mắn khi được chơi cùng với những cầu thủ đẳng cấp thế giới như Cannavaro, Nedev, Del Piero, Ibrahimovic hay Trezeguet, cùng rất nhiều cầu thủ khác. Tuy nhiên, họ đều vấp phải sự cạnh tranh khi đã có tuổi, trong khi đó, Buffon vẫn giữ được phong độ xuất sắc nhất ở vị trí thủ môn".