Tất cả các nhà cầm quân tại châu Âu đều có chung nhận xét ngay sau lễ rút thăm chia bảng VCK EURO 2012 hồi tháng 12 năm ngoái, chỉ có một bảng duy nhất tại VCK lần này được xem là bảng “tử thần” – đó là bảng B với 4 đội bóng ngang tài cân sức là Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Đan Mạch.
Chỉ cần nhìn vào bảng xếp hạng của FIFA cũng đủ để hiểu đây là bảng đấu khó khăn nhất và khó dự đoán nhất của EURO 2012. Cả 4 đội bóng của bảng B đều nằm trong “top 10” của FIFA tháng 5 vừa qua, trong đó “xe tăng Đức” đứng vị trí thứ hai, “cơn lốc Hà Lan” đứng thứ 4, Bồ Đào Nha xếp thứ 5 và Đan Mạch – đội bóng mang biệt danh “Thùng thuốc súng” đứng ở vị trí thứ 10. Về thành tích tại EURO, Đức từng 3 lần vô địch vào các năm 1972, 1980, 1996, Hà Lan lên ngôi vương vào năm 1988, còn Đan Mạch đã làm cả châu Âu thán phục khi bước lên đỉnh vinh quang vào năm 1992.
Đội tuyển Đức luyện tập tại sân vận động Lech, ở Gdansk (Ba Lan) ngày 4/6, bốn ngày trước khi diễn ra vòng chung kết Euro 2012 ở Ba Lan và Ucraina. Trong ảnh: Trung vệ Toni Kroos (trái) tranh bóng với tiền đạo Mario Gomez trong buổi luyện tập. Ảnh: AFP/TTXVN |
HLV Bert van Marwijk của Hà Lan thú nhận: “Đây là bảng khó khăn nhất và đem lại nhiều thử thách nhất, không cần phải nói tất cả các cầu thủ của tôi cũng nhận thức rõ điều đó”.
Nếu như sức mạnh của Đan Mạch chính là tinh thần động đội, thì Đức, Hà Lan và Bồ Đào Nha đều mang tới EURO lần này những ngôi sao ở đẳng cấp thế giới, nhưng cầu thủ này có thể tự định đoạt số phận của trận đấu. Với Đức đó là Mesut Ozil, Thomas Muller và Mario Gotze, trong khi Hà Lan chờ đợi sự toả sáng của Robin van Persie, Wesley Sneijder và Arjen Robben, còn Bồ Đào Nha mọi kỳ vọng được đặt vào tiền đạo Cristiano Ronaldo. Tuy nhiên, cả 3 đội bóng này đều có điểm yếu chung, đó là hàng thủ không chắc chắn thể hiện rõ trong loạt trận giao hữu trước thềm EURO 2012.
Đức đưa tới EURO 2012 này với lứa đội hình trẻ (có độ tuổi trung bình trẻ nhất EURO), tài năng và đặc biệt là khát khao vô địch cháy bỏng sau 2 lần “gục ngã” trước Tây Ban Nha ở 2 giải đấu lớn gần nhất EURO 2008 và World Cup 2010. Có thể nói, kể từ sau EURO 1996, giải đầu gần đây nhất mà Đức giành chức vô địch, đội bóng này mới lại sở hữu một đội hình chất lượng đến vậy.
HLV Joachim Low của đội tuyển Đức nhận định: “Tất cả các đội bóng đều rất mạnh, Bồ Đào Nha và Hà Lan là những đội bóng có lối chơi kỹ thuật bậc nhất thế giới, trong khi đội tuyển Đan Mạch là một tập thể rất mạnh”.
“Sẽ rất khó khăn cho chúng tôi với mục tiêu trước mắt là vượt qua vòng đấu bảng”, nhà cầm quân của Bồ Đào Nha Paulo Bento lên “dây cót tinh thần” cho các cầu thủ của ông như vậy.
Trong khi đó, HLV đội tuyển Đan Mạch Morten Olsen phụ hoạ: "Hiển nhiên, chúng tôi phải nỗ lực hết sức, ngoài ra các cầu thủ cũng phải duy trì thể lực tốt trong 10 ngày. Điều quan trọng hơn cả là chúng tôi cần một chút may mắn”.
Hà Lan sẽ gặp Đan Mạch trong trận đấu mở màn của bảng B tại Kharkov (Ucraina) vào ngày 9/6, ngay sau đó Đức sẽ gặp Bồ Đào Nha Lvov. Ở lượt trận thứ 2 vào ngày 13/6, Đan Mạch sẽ gặp Bồ Đào Nha ở Lvov, trong khi tại Kharkov sẽ là cuộc “thư hùng” giữa Đức và Ha Lan. Cục diện bảng B sẽ được định đoạt bằng lượt trận cuối vào ngày 17/6, trong đó Đan Mạch sẽ gặp Đức tại Lvov, còn Bồ Đào Nha sẽ gặp Hà Lan tại Kharkov.
Hiển nhiên, trận đấu được hàng triệu CĐV thế giới mong chờ nhất sẽ là cuộc đại chiến Đức - Hà Lan. Đây là hai đội bóng giầu truyền thống nhất ở châu Âu và đã từng gặp nhau 38 lần, trong đó Đức thắng 14 trận, Hà Lan thắng 10 trận, hai đội bất phân thắng bại trong 14 trận còn lại. Trận đấu đáng nhờ nhất là cuộc chạm chán giữa Tây Đức gặp Hà Lan trong trận chung kết World Cup 1974, khi đó Đức đã giành chiến thắng 2-1. Với người Hà Lan, kỷ niệm đẹp nhất của họ là trận bán kết gặp Đức tại EURO 1988, khi đó Hà Lan với Rudd Gullit, Van Basten, Ronald Koeman đã đánh bại người Đức 2-1, để rồi sau đó đoạt chức vô địch sau khi thắng Nga trong trận chung kết năm đó.
Trận đấu gần đây nhất giữa Đức và Hà Lan kết thúc với phần thắng 3-0 nghiêng về các học trò của Joachim Low là trận giao hưu tại Hamburg ngày 15/11/2011 với các bàn thắng của Thomas Muller, Miroslav Klose và Mesut Ozil .
“Hiễn nhiên Hà Lan hiện tại mạnh hơn rất nhiều so với đội bóng của họ hồi tháng 11 năm ngoái, khi đó họ thiếu vắng chân sút số 1 là Van Persie. Hà Lan từng lọt vào trận chung kết World Cup và những năm gần đây, họ luôn thi đấu với kết quả tốt hơn chúng tôi. Không nên so sánh trận đấu tới đây giữa Đức- Hà Lan với trận giao hữu cuối năm ngoái”, Joachim Low tỏ ra thận trọng.
So năm trước, đội hình Hà Lan không có nhiều thay đổi, nòng cốt vẫn là những “ngôi sao” như: Van Persie, Huntelaar, Rafael van der Vaart, Robben hay Sneijder, nhưng hiện tại, Hà Lan có thêm hàng loạt những cầu thủ trẻ tài năng khác như: Kevin Strootman, Luuk de Jong, Jetro Willems. Đây sẽ là những vũ khí lợi hại mới của Hà Lan khi đối đầu với những đổi thủ tại bảng B.
Xét về thành tích các cuộc đối đầu trong lịch sử, Đức đang có lợi thế so với 3 đối thủ còn lại, trong khi đó Hà Lan chỉ có lợi thế so với Đan Mạch. Trong các cuộc đối đầu trước đây, Bồ Đào Nha không hề tỏ ra sợ hãi Hà Lan, họ chỉ thua duy nhất 1 trận, trong khi thắng tới 6 trận trong 10 lần gặp nhau. Bồ Đào Nha từng đánh bại Hà Lan tại bán kết EURO 2004 và vòng1/16 tại World Cup 2006. Về phần mình, Đan Mạch từng xếp trên Bồ Đào Nha tại vòng loại EURO 2012, họ đã đánh bại Bồ Đào Nha 2-1 trong trận đấu cuối cùng của vòng loại. Dù thua về thành tích đối đầu với Đức và Hà Lan, nhưng Đan Mạch từng một lần đánh bại cả hai đội bóng này tại EURO 1992 sau đó lên ngôi vô địch.
Thanh Bình