Đua thuyền - Niềm tự hào của thể thao Thái Bình

Được đưa vào đào tạo tại Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình gần 15 năm qua, đến nay, bộ môn đua thuyền đã trở thành “điểm sáng” và là niềm tự hào của thể thao Thái Bình. Vượt qua nhiều khó khăn, những năm gần đây, đua thuyền Thái Bình đã đóng góp cho đội tuyển quốc gia nhiều gương mặt “vàng” như Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền hay Cao Thị Hảo…

Những ngày này thầy và trò của bộ môn đua thuyền (thuộc Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình) đang nỗ lực tập luyện chuẩn bị thi đấu giải các CLB đua thuyền toàn quốc, được tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng 4/2016. Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng với quyết tâm giành giải cao tại kỳ thi đấu, thầy Trần Văn Sáu, Trưởng bộ môn, cùng các cô học trò nhỏ, vẫn miệt mài trên từng tay chèo. Để thuận lợi cho việc luyện tập, thầy trò thuê một căn nhà nhỏ tại phường Phú Khánh, TP Thái Bình, ngay cạnh sông Kiến Giang để dụng cụ tập luyện. Nhiều năm nay, người dân tại đây đã quen với hình ảnh thầy Sáu cùng các học trò luyện tập trên khúc sông này, đều đặn không kể nắng mưa.

Phạm Thị Thảo (trái) đoạt HCV nội dung đôi nữ hạng nhẹ tại SEA Games 28. Ảnh: TTXVN

35 năm gắn bó với thể thao và cũng là người đồng hành cùng đua thuyền Thái Bình từ những ngày đầu tiên, thầy Sáu chia sẻ: “Trước khi đến với đua thuyền, thầy là VĐV bơi. Đến năm 2002 khi ngành thể thao tỉnh Thái Bình có chủ trương phát triển môn đua thuyền, tôi bắt đầu chuyển sang bộ môn này. Môn thể thao thành tích cao đua thuyền có xuất xứ từ châu Âu, đầu tư cho môn này cũng khá tốn kém, bởi vậy những ngày đầu mới thành lập bộ môn gặp nhiều khó khăn từ con người đến cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện. Do điều kiện thiếu thốn nên ban đầu lực lượng vận động viên của Thái Bình chủ yếu được gửi đào tạo tại Hà Nội, dần dần chuyển về Thái Bình tập luyện”.

Bất kỳ môn thể thao nào cũng cần sức khỏe và cường độ tập luyện cao. Đối với môn đua thuyền của tỉnh Thái Bình từ khi thành lập đến nay 100% VĐV là nữ, do vậy sự vất vả trong quá trình luyện tập càng tăng lên. Đặc thù của bộ môn sông nước này đôi lúc khiến nhiều nữ vận động viên nản lòng. Thầy Sáu cho biết, hàng ngày các em phải luyện tập tối thiểu 10 km sông trong vòng 70 đến 80 phút, trung bình 50 chèo/phút và tùy theo giai đoạn luyện tập khác nhau sẽ có cường độ khác nhau, giai đoạn nước rút chuẩn bị thi đấu, cường độ sẽ cao hơn rất nhiều.

VĐV Hoàng Thị Huệ (SN 1997), ở xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy là một trong những gương mặt trẻ của đội tuyển đua thuyền Thái Bình tâm sự: Cuộc sống của vận động viên phải xa nhà, xa người thân từ sớm, nhiều đợt luyện tập cường độ cao khiến em mệt mỏi. Tuy nhiên, nhờ có sự động viên của thầy cô trong Trung tâm, đặc biệt là thầy Sáu nên em và các VĐV trong bộ môn này vẫn tiếp tục cố gắng, phấn đấu giành thành tích cao.

Thầy Đoàn Hồng Tiến, Giám đốc Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình cho biết: Những năm gần đây đua thuyền là bộ môn mang lại nhiều thành tích cao cho thể thao Thái Bình. Trong các giải vô địch quốc gia hàng năm môn đua thuyền có từ 1 - 3 HCV và đóng góp từ 1 - 5 VĐV vào đội tuyển quốc gia. Đây cũng là môn mang lại nhiều huy chương vàng cho đoàn thể thao Thái Bình tại các giải đấu trong nước. Đặc biệt, qua phong trào thể thao của tỉnh đã tìm kiếm được những gương mặt mới mang lại thành tích cao, điển hình như VĐV Phạm Thị Thảo từng giành nhiều HCV tại các kỳ thi đấu trong nước và quốc tế. Thảo chính là VĐV duy nhất của Thái Bình được tham dự Olympic London 2012. Năm 2015, hai VĐV Phạm Thị Thảo và Tạ Thanh Huyền trưởng thành từ đoàn đua thuyền Thái Bình đã xuất sắc giành HCV cúp châu Á nội dung hai tay chèo hạng nhẹ, VĐV Cao Thị Hảo từng dự thi Olympic trẻ tại Quảng Đông (Trung Quốc) năm 2014…

Mặc dù đạt nhiều thành tích cao nhưng đua thuyền Thái Bình cũng gặp không ít những khó khăn. Trưởng bộ môn đua thuyền Trần Văn Sáu chia sẻ: Như nhiều bộ môn khác, môn đua thuyền rất khó “tuyển quân”. Hơn 10 năm bộ môn chỉ có 1 HLV và 12 VĐV. Hiện tại, bộ môn đã phát triển được 3 HLV và 18 VĐV, song con số này cũng chưa đạt yêu cầu chuyên môn bởi theo mức chuẩn phải cần tới 25 - 30 VĐV. Mặt khác, đầu ra của VĐV cũng là bài toán chung của nhiều môn thể thao, trong đó có đua thuyền. VĐV có thành tích cao sẽ có cơ hội phát triển, nếu không sẽ không biết làm gì sau đó bởi quãng thời gian “vàng” của tuổi trẻ họ đã gắn bó và cống hiến với các môn năng khiếu thể thao, luyện tập, thi đấu…

Dẫu biết rằng theo nghiệp VĐV, gắn bó với những kỳ luyện tập mệt mỏi, chưa kể đến chấn thương trong quá trình luyện tập, thi đấu song những cô gái của đua thuyền Thái Bình vẫn tiếp tục cống hiến vì sự phát triển của thể thao Thái Bình nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

TTXVN/Tin Tức
Trao giải đua thuyền buồm tại Đà Nẵng
Trao giải đua thuyền buồm tại Đà Nẵng

Lễ trao giải Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper chặng thứ 7 "Đà Nẵng - Khám phá mới của châu Á" đã diễn ra tại Furama Resort Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN