Cùng với việc hai “hiện tượng” Thanh Hóa và Than Quảng Ninh đang dẫn đầu bảng xếp hạng, sức hấp dẫn của sân chơi V-League 2014 còn được tô điểm bởi số lượng bàn thắng luôn ở mức cao.Qua 7 vòng đấu, số lượng bàn thắng trung bình là 3,35 bàn/trận, nhỉnh hơn so với con số trung bình của cả mùa giải trước (3,28 bàn/trận). Thậm chí, vòng 5 đã chứng kiến một kỷ lục của V-League: 31 bàn thắng được ghi (trung bình 5,16 bàn/trận). Tuy vậy, người hâm mộ Việt Nam vẫn không khỏi chạnh lòng khi tiếp tục chứng kiến sự áp đảo của các chân sút ngoại trong danh sách ghi bàn, còn các chân sút nội thì mất hút.
Mất giá
Hiện tại, Timothy Anjembe (Hoàng Anh Gia Lai) dẫn đầu danh sách “dội bom” tại V-League, với 7 bàn thắng. Xếp sau cầu thủ này là Hoàng Vũ Samson của Hà Nội T&T (6 bàn). Rồi đến Abass Cheikh Dieng của Becamex Bình Dương (5 bàn). Đây đều là những “sát thủ” quen mặt ở V-League, trong đó Samson và Abass đã cán đích ở những vị trí đầu tiên trong cuộc đua cá nhân mùa trước (lần lượt là 14 và 13 bàn thắng).
Anh Đức (phải) và Quang Hải đều “đánh mất cảm giác” nhạy cảm ghi bàn khi khoác áo đội tuyển quốc gia. |
Phải tới các mức ghi bàn thấp hơn, người ta mới thấy sự xuất hiện của các gương mặt nội, nhưng đó lại là các tiền vệ: Nguyễn Hải Huy (Than Quảng Ninh, 4 bàn), Nguyễn Trọng Hoàng (Becamex Bình Dương, 3 bàn), Phan Văn Tài Em (Đồng Tâm Long An, 3 bàn), Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T, 3 bàn)… Những chân sút nội được đánh giá cao nhất vào thời điểm này, như Lê Công Vinh (Sông Lam Nghệ An), Nguyễn Anh Đức (Becamex Bình Dương), hay Nguyễn Quang Hải (Hải Phòng), mỗi người đều mới chỉ ghi được 1 bàn.
Việc các tiền đạo nội “mất giá” không còn là chuyện lạ ở V-League. Kể từ khi giải hoạt động theo cơ chế chuyên nghiệp năm 2000 và bắt đầu mở cửa cho các cầu thủ nước ngoài năm 2003, các “ông Tây” đã hoàn toàn thống trị danh sách ghi bàn. 11 mùa giải vừa qua là 11 lần những cái tên nước ngoài được xướng lên trong lễ trao danh hiệu Vua phá lưới. Cá biệt, Gaston Merlo của SHB Đà Nẵng đã 3 lần liên tiếp đứng ở vị trí số 1 (các năm 2009, 2010 và 2011).
Với nhiều điểm mạnh vượt trội, các cầu thủ ngoại, nhất là các tiền đạo, luôn là ưu tiên của các đội bóng trong chiến dịch tăng cường lực lượng trước mỗi mùa giải. Tố chất của những cầu thủ Nam Mỹ (kỹ thuật, sự dẻo dai), châu Phi (sức mạnh thể lực, tốc độ), hay châu Âu (kỷ luật chiến thuật) là những điều cầu thủ Việt Nam phải chấp nhận thua thiệt. Ở một mức giá tương đương so với hàng ngoại nhập, nhiều đồ “Made in Vietnam” đang thắng thế tại sân nhà, nhưng bóng đá là một ngoại lệ.
Mặt trái của tấm huy chương
Mặt trái đó của cơ chế chuyên nghiệp hiện cũng tồn tại ở ngay cả những nền bóng đá phát triển và nó gây những ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của các cầu thủ trẻ (bị hạn chế cơ hội ra sân) và sức mạnh của đội tuyển quốc gia. Điều này được thấy ở ngay đội tuyển Việt Nam thời gian gần đây, khi chúng ta giải mãi mà vẫn chưa ra đáp án cho cặp trung vệ và đặc biệt là cho hiệu suất ghi bàn của các tiền đạo.
Hiện tại, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đều đã hạn chế số lượng cầu thủ ngoại (tối đa 3 cầu thủ/đội), đồng thời buộc các đội bóng phải có các lớp đào tạo trẻ từ U11 - U19, không ngoài mục đích tạo thêm “đất diễn” cho cầu thủ nội và nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng. Thế nhưng, dùng ai và dùng như thế nào lại là quyết định của HLV. Nhiều đội bóng hiện còn sử dụng cầu thủ ngoại nhập tịch như một cách lách luật, với mục đích cuối cùng vẫn là “Tây hóa” đội bóng, nhằm giành thành tích. |
Tại vòng loại Asian Cup 2015, Việt Nam chỉ ghi được 5 bàn trong 6 trận, trong đó có 3 bàn ở trận đấu thủ tục cuối cùng với Hong Kong (Trung Quốc) mới đây. Đáng nói là các tiền vệ Huỳnh Quốc Anh (SHB Đà Nẵng) và Trọng Hoàng đã ghi tới 4/5 bàn thắng (mỗi người 2 bàn) và chỉ 1 bàn là của một tiền đạo đích thực (Anh Đức).
Trong đợt tập trung đội tuyển Việt Nam gần đây nhất, HLV Hoàng Văn Phúc không ít lần đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng ghi bàn của các tiền đạo nội. Theo ông Phúc, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các tiền đạo nội “im tiếng” thời gian gần đây là do họ mất vị trí tại CLB, hoặc vẫn được đá chính nhưng không phải ở vị trí trung phong, do không thể cạnh tranh được với các tay săn bàn ngoại. Từ Công Vinh, Anh Đức, Quang Hải, cho tới Hoàng Đình Tùng (Hải Phòng), tất cả đều đang được bố trí đá dạt biên ở CLB. Trong khi đó, 2 trung phong của U23 Việt Nam tại SEA Games 27 là Hà Minh Tuấn (SHB Đà Nẵng) và Mạc Hồng Quân (Thanh Hóa) đều đang phải “đánh bóng” băng ghế dự bị tại CLB.
Thực tế đó dẫn đến một điều hết sức trớ trêu là HLV Hoàng Văn Phúc phải tăng cường các bài tập dứt điểm cho các tiền đạo, nhằm giúp họ “tìm lại cảm giác về không gian và nhạy cảm ghi bàn”. Tuy nhiên, với việc xu hướng các đợt tập trung đội tuyển đang được thu ngắn lại về mặt thời gian, không phải lúc nào các tiền đạo cũng kịp “đánh thức” khả năng ghi bàn của mình, sau khi không được rèn giũa thường xuyên tại CLB.
Nhưng không còn lựa chọn nào khác: Để có thể thắng một trận đấu thì phải ghi bàn. Các tiền đạo nội lại phải càng cải thiện kỹ năng này, nếu muốn tồn tại ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp hiện nay.
Bài và ảnh: Song Long