Tham dự SEA Games lần này, đội tuyển bơi lội Việt Nam có một đội hình lý tưởng và tràn đầy sức trẻ, với độ tuổi trung bình chưa đầy 18. Trong đó, Hoàng Quý Phước lớn nhất cũng chỉ 23 tuổi và đang ở độ đỉnh cao phong độ.
Ánh Viên được kỳ vọng lớn tại SEA Games 28. |
Còn những Nguyễn Thị Ánh Viên, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi cũng chỉ 18 tuổi, Lê Thị Mỹ Thảo đang 16 và thành viên nhỏ tuổi nhất Nguyễn Diệp Phương Châm mới vừa bước qua tuổi 14. Những gương mặt trẻ này sẽ gánh vác sứ mệnh đưa bơi lội trở thành một trong những môn có chỉ tiêu thành tích cao nhất ở kỳ Đại hội này. Trong đó, Ánh Viên được kỳ vọng sẽ là ngôi sao tỏa sáng tại Đại hội.
Tại SEA Games 27 ở Myanmar cách đây 2 năm, đội tuyển bơi lội Việt Nam đã làm nên kỳ tích, khi đoạt tới 5 HCV, bằng tổng thành tích của 9 kỳ Đại hội thể thao khu vực trước. Riêng Ánh Viên giành tới 3 HCV ở các nội dung 200 m ngửa, 200 m hỗn hợp và 400 m hỗn hợp.
Hiện thành tích của Ánh Viên bỏ xa nhiều đối thủ ở các nội dung sở trường. Trong đó, riêng ở những cự ly sở trường mà Ánh Viên là đương kim vô địch gồm 200 m ngửa, 200 m hỗn hợp và 400 m hỗn hợp, kình ngư 18 tuổi này đang hơn thành tích HCB lên tới 20 giây. Đây là những khoảng cách khá lớn và khả năng bảo vệ thành công ba tấm HCV ở 3 nội dung trên của Ánh Viên gần như là chắc chắn.
Với những cự ly khác là 200 m bướm, 400 m tự do và 800 m tự do, Ánh Viên cũng đã vượt lên khỏi các mốc thành tích HCV của SEA Games 27. Còn ở các cự ly 50 m ngửa, 100 m ngửa, 100 m tự do, các thông số thành tích của Ánh Viên cũng ngang ngửa với những VĐV hàng đầu của Singapore hay Thái Lan.
Nguyễn Thị Ánh Viên vừa được trao tặng Huân chương Lao Động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những cống hiến của cô cho thể thao Việt Nam. Đây là những phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước và Chính phủ trao tặng cho kình ngư tài năng này. Những phần thưởng này rất kịp thời và sẽ khích lệ tinh thần cho Ánh Viên trước lúc lên đường dự tranh SEA Games 28 tại Singapore. |
Ngoài ra, đội bơi Việt Nam còn có thể trông đợi vào khả năng đột phá của hai kình ngư nam Hoàng Quý Phước và Lâm Quang Nhật, những người có thể mang về từ 2 - 3 HCV. Quý Phước đang là ĐKVĐ nội dung 200 m ngửa nam, nội dung mà VĐV này đã có bước tiến mới đáng kể qua thời gian tập huấn tại Nhật Bản. Quang Nhật đang giữ HCV cự ly 5.000 m và đang tập trung tập luyện ở nội dung này suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, để bảo vệ được HCV đối với Quang Nhật là không dễ, vì chưa VĐV nào có thể bảo vệ HCV ở nội dung này tại SEA Games.
Để chuẩn bị cho SEA Games, đội tuyển bơi lội đã được cọ xát rất nhiều. Đội đã được đầu tư trước cả năm nay. Ngoài Ánh Viên được đầu tư trọng điểm đi tập luyện tại Mỹ, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5, đội đã sang tập huấn ở Côn Minh (Trung Quốc). Sau đó, đội trở về tham dự giải bơi các nhóm tuổi VĐQG 2015 tại Hà Nội và đều có được kết quả tiến bộ.
Tuy nhiên, nước chủ nhà Singapore đang rất kỳ vọng ở môn bơi lội và đây được coi là “mỏ vàng” ở các kỳ SEA Games, trước một Ánh Viên gần như không có đối thủ ở khu vực Đông Nam Á, họ đang “tìm cách” hạn chế đối thủ. Vì vậy Singapore đã đưa ra thay đổi kỳ lạ trong điều lệ và phương thức tổ chức thi đấu, rất khác biệt so với các thông lệ quốc tế là sau 2 nội dung kết thúc tranh tài sẽ tiến hành trao giải, nhằm giúp các VĐV có thêm thời gian hồi phục, mà tổ chức liền mạch tất cả các nội dung chung kết trong một ngày. Điều này khiến cho Ánh Viên khó có đủ thể lực để tham dự tất cả các nội dung. Bên cạnh đó, BTC cũng không cho các VĐV Việt Nam tập luyện, làm quen với bể bơi tranh tài chính thức trước 2 ngày như bình thường, thay vào đó, họ sẽ bố trí một địa điểm khác. Chắc chắn, cảm giác thi đấu của các VĐV Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không ít vì điều này.
Ngày 3/6, đội tuyển bơi Việt Nam sẽ lên đường sang Singapore.