Tập luyện, thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp
Nếu như trước đây, những trò chơi trên các nền tảng PC hay Mobile chỉ được hiểu đơn thuần là “game” giải trí, còn người chơi được gọi là “game thủ” thì khi thể thao điện tử được công nhận, đưa vào thi đấu, kéo theo đó là sự xuất hiện của các “game thủ” chuyên nghiệp, hay nói cách khác là vận động viên thể thao điện tử.
Từ “game thủ” chuyển sang vận động viên thể thao điện tử tưởng chừng như đơn giản, bởi cùng là tập luyện trên một thiết bị điện tử, cùng một bộ môn nhưng thực tế lại không như vậy. Theo Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, “game thủ” cũng là một nghề. Nhưng nghề này rất kén người, không phải ai “chơi game” cũng trở thành vận động viên thể thao điện tử, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phẩm chất, tư duy nhạy bén, sức khỏe tốt, thao tác nhanh nhẹn. Trải qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp, các vận động viên mới có thể thi đấu, được công nhận ở các đẳng cấp khác nhau.
Khái niệm vận động viên thể thao điện tử ở các địa phương còn khá mơ hồ, chưa thực sự được biết đến nhiều, chưa thực sự được công nhận là một ngành nghề. Nhưng ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực eSoprts không hề ít. Tại những “Gaming house”, các vận động viên được tập luyện, thi đấu, được trả lương hàng tháng, thưởng theo thành tích tại các giải đấu và hơn hết, họ được sinh hoạt, tập luyện, làm việc một cách chuyên nghiệp, khoa học.
Công ty Cổ phần Box Sports cũng là một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực eSports. Trưởng phòng Thể thao điện tử Mai Quỳnh Anh cho biết: Công ty có trên 35 vận động viên thể thao điện tử đang hưởng “lương cứng” từ 5 - 25 triệu đồng/tháng, các em còn được xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu. Ngoài lương, các vận động viên sẽ nhận được giải thưởng mỗi khi thi đấu thành công. Không chỉ có lợi về nguồn thu nhập, khi tham gia luyện tập, thi đấu chuyên nghiệp, các em còn được rèn tính kỉ luật, nền nếp, đặc biệt là khả năng giao tiếp, ứng xử…
Lê Văn Hiếu, tuyển thủ bộ môn PUBG Mobile (Công ty Box Sports ) chia sẻ, được sinh hoạt trong môi trường chuyên nghiệp, mỗi ngày, Hiếu tập luyện từ 8 - 12 giờ. Theo Lê Văn Hiếu, điểm khác biệt lớn nhất giữa chơi game thông thường và tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp là nếu chỉ chơi giải trí không thể hoặc có thu nhập rất ít, nhưng khi có công ty quản lý, các tuyển thủ không cần phải lo lắng nhiều, chỉ chuyên tâm tập luyện, thi đấu. Việc ăn ở, các vấn đề về giao tiếp, làm việc với Ban tổ chức giải đã được công ty phụ trách, vận động viên được trả lương và thưởng theo năng lực của bản thân.
Còn Quân Bi, tuyển thủ bộ môn PES (Công ty Box Sports ) nhận thấy, khi đã vào đội chuyên nghiệp, các thành viên trong đội cũng có thêm mối quan hệ ràng buộc, sẽ không có chuyện đột nhiên một người tự ý rời khỏi “team”, làm ảnh hưởng đến các thành viên còn lại. Những phát sinh trong quá trình thi đấu như đặt cọc phí thi đấu, trang bị thiết bị đồng bộ..., đều có công ty lo. Nếu là tự phát thì đó là những chi phí rất lớn không phải ai cũng lo được.
Hướng tới những sân chơi lớn
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30) được tổ chức tại Philippines là lần đầu tiên bộ môn Thể thao điện tử được đưa vào thi đấu chính thức. Năm đó, 6 bộ môn eSports được đưa ra tranh tài và Việt Nam cũng đã xuất sắc giành được 3 Huy chương Đồng.
Theo Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng, năm nay, SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, và thể thao điện tử tiếp tục được đưa vào thi đấu chính thức 8 bộ môn với 10 nội dung: Liên minh huyền thoại: Tốc chiến (đồng đội nam, đồng đội nữ); Liên quân Mobile; PUBG Mobile (đồng đội/cá nhân); Đấu trường sinh tồn; Liên minh huyền thoại; Fifa Online 4; Đột kích; Mobile Legends: Bang Bang. So với kỳ SEA Games trước, kì SEA Games này sẽ có nhiều bộ môn, nội dung được đưa vào thi đấu hơn, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều vận động viên tham gia hơn.
Hiện nay, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đang gấp rút phối hợp cùng các đơn vị liên quan lên kế hoạch tổ chức Giải thể thao điện tử vô địch quốc gia (VEC) và Giải thể thao điện tử sinh viên toàn quốc (UEC) để làm cơ sở, lựa chọn ra những gương mặt xuất sắc nhất tham dự SEA Games 31.
Cũng theo ông Đỗ Việt Hùng, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở một số nơi, về cơ bản, thể thao điện tử có lợi thế hơn các môn thể thao truyền thống khác, vì vẫn có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thể thao điện tử ngày càng được phát triển theo hướng chuyên nghiệp và thực sự được coi là một nghề nghiệp như bao nghề nghiệp khác; vận động viên eSports cũng tập luyện, thi đấu như những vận động viên các môn thể thao khác. Do còn mới lạ tại Việt Nam, nên ít nhiều một số người dân chưa đón nhận, nhìn nhận đúng đắn, nhưng theo thời gian, với những gì eSports mang lại sẽ đem đến một cách nhìn khách quan, phổ biến và tích cực hơn.
Ranh giới giữa vận động viên thể thao điện tử và người chơi game đơn thuần, thậm chí việc “nghiện game” của một số bạn trẻ lại hết sức mong manh. Nếu như xác định đây là một nghề nghiệp, ngoài sự đam mê, các bạn trẻ cũng cần xác định theo đuổi một cách nghiêm túc. Nếu như chỉ dừng lại ở việc chơi game để giải trí, người chơi không nên quá sa đà vào “thế giới ảo” để tránh ảnh hưởng đến chuyện học hành, công việc…