Sau cú hích từ ngôi vị số 1 Đông Nam Á tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam có cơ sở để tạo nên bước đột phá mới như môn bắn súng đã làm được ở Olympic 2016.
Theo ông Dương Đức Thủy, lãnh đội của đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự ASIAD 2018, điền kinh Việt Nam đã chuẩn bị lực lượng hướng đến Đại hội thể thao châu Á này từ năm 2010. Ông Dương Đức Thủy nhấn mạnh: "Chỉ tiêu của điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2018 là đổi màu Huy chương Bạc (HCB) đã có được ở Incheon 2014. 'Bột' chúng ta đã có, giờ là lúc cần sự nỗ lực của cả vậ động viên (VĐV) và huấn luyện viên".
Nhà vô địch nhảy xa châu Á Bùi Thị Thu Thảo được xem là gương mặt sáng giá nhất cho chiến dịch "săn vàng" của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Khác với Incheon 2014, nội dung nhảy xa ở kỳ này có thêm vòng loại (chỉ có 3 lượt nhảy) để lựa chọn ra từ 12-16 VĐV có thành tích tốt lọt vào vòng chung kết. Ở vòng chung kết, các VĐV sẽ có 3 lượt nhảy thi loại và 3 lượt nhảy chung kết. Cả vòng loại và vòng chung kết diễn ra trong hai ngày. Do vậy, VĐV cần có chiến thuật tốt, tâm lý vững và hạn chế sai sót.
"Tốc độ, sức mạnh, kĩ thuật của Bùi Thị Thu Thảo tốt. Chỉ cần thêm chất xúc tác "tâm lý tốt" để kết dính các yếu tố đó lại với nhau", ông nhận định. Đối thủ lớn nhất của Bùi Thị Thu Thảo được xem là VĐV người Philippines (thành tích tốt nhất 6.72m) và 2 VĐV người Trung Quốc.
Ở ASIAD 2010, Vũ Thị Hương đã giành tấm huy chương đầu tiên cho điền kinh Việt Nam khi về thứ ba ở nội dung 100m. Cũng tại kỳ Á vận hội này, Vũ Thị Hương còn giành thêm 1 HCB 200m, trong khi Trương Thanh Hằng giành 2 HCB ở nội dung 800m và 1.500m. Bốn năm sau ở Hàn Quốc, điền kinh Việt Nam giành được 2 HCB do công của Quách Thị Lan (400m) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ). Năm nay, điền kinh Việt Nam có thể hiện thực hóa "giấc mơ Vàng"?