Dịch COVID-19 khiến hàng loạt đội bóng Ngoại hạng Anh đối mặt khủng hoảng

Nhiều đội bóng của giải Premier League (Ngoại hạng Anh) đang rơi vào tình trạng tồi tệ về kinh tế và phải đứng trước nguy cơ phá sản do sự mất cân bằng giữa quỹ lương, dòng tiền và doanh thu.

Chú thích ảnh
Ngoại hạng Anh 2020 vẫn chưa thể xác định được ngày trở lại. Ảnh: Eurosports.

Trước ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh COVID-19, nhiều giải bóng đá đã phải tạm dừng và Ngoại hạng Anh không phải là một ngoại lệ. Sau rất nhiều lần ra hạn hoãn giải, đến nay Ban tổ chức Ngoại hạng Anh vẫn hoãn vô thời hạn giải đấu.

Trong trường hợp xấu nhất nếu phải hủy giải đấu, các đội bóng của giải đấu số 1 Xứ sở sương mù sẽ đối mặt với số tiền phạt lên tới 940 triệu USD.

Hôm đầu tuần, Giám đốc Điều hành Ngoại hạng Anh Richard Masters cảnh báo giải đấu có thể mất hơn 1,23 tỷ USD - con số kỷ lục của bóng đá thế giới - vì cuộc khủng hoảng do dịch bệnh hiện tại.

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 khiến Ngoại hạng Anh điêu đứng. Ảnh: Eurosports.
CLB của Premier League năm ngoái nhận tiền từ bản quyền truyền hình ít nhất cũng hơn 115 triệu USD.

Có thể khẳng định, những đội bóng đang chơi tại Premier League dựa chủ yếu vào tiền bản quyền truyền hình. Đây luôn là một nguồn thu khổng lồ với mỗi đội. Và điều đó đang khiến họ lao đao khi giải đấu bị hoãn, hủy và không thể có tiền từ những hợp đồng quảng cáo, truyền hình.

Mới đây, Chủ tịch CLB Burnley ông Mike Garlick tuyên bố, nếu Premier League không sớm trở lại, đội bóng này sẽ rơi vào cảnh phá sản. Trong trường hợp giải đấu bị hủy, đội bóng này có nguy cơ chịu khoản lỗ lên tới hơn 60 triệu USD, bao gồm tiền bản quyền truyền hình và bán vé trên sân nhà. Điều đó dẫn đến nguy cơ Burnley không thể chi trả tiền lương cho cầu thủ và nhân viên đội bóng.

Burnley không phải đội bóng duy nhất ở Premier League rơi vào tình trạng này. Những đội bóng như Watford, Crystal Palace hay Newcastle đã vay mượn rất nhiều trong thời gian qua, bên cạnh đó còn là các khoản phí chuyển nhượng cầu thủ chưa thanh toán hết (mua theo dạng trả góp).

Chú thích ảnh
CLB Burnley đối diện với nhiều khó khăn do mất nguồn thu từ bản quyền truyền hình. Ảnh: Eurosports.

Các CLB Premier League có 3 lần nhận tiền bản quyền truyền hình trong một mùa giải, đó là vào tháng 8, tháng 1 và khi mùa giải kết thúc. Những khoản tiền này sẽ đảm bảo các CLB có thể chi trả ngược lại cho cầu thủ, nhân viên.

Với Watford, tiền bản quyền truyền hình chiếm 83% trong tổng doanh thu của họ. Với Bournemouth con số này lên tới 88%. Còn với Burnley là 83,3%.

Đối với Burnley, các nguồn doanh thu từ Ngoại hạng Anh như bản quyền phát sóng truyền hình và các mặt hàng, dịch vụ khác là khoảng 45 triệu bảng. Đối với các đội khác thì con số này tăng gấp đôi. Ngoài ra, nếu mùa giải bị hủy, Burnley mất thêm 5 triệu bảng tiền bán vé sân nhà.

Với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại châu Âu, hầu hết mọi hoạt động liên quan đến thể thao đều đang phải đóng băng. Việc các trận đấu không thể diễn ra như kế hoạch gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của các đội bóng, nhất là đối với những đội bóng nhỏ.

Chú thích ảnh
Những nỗ lực của Ban tổ chức trong phòng chống dịch COVID-19 để chuẩn bị cho giải đấu quay trở lại. Ảnh: Eurosports.
"Đây không còn là chuyện của riêng Burnley hay bất cứ đội bóng nào. Đây là vấn đề của tất cả đội trong hệ thống bóng đá Anh và những công ty, doanh nghiệp đang hưởng lợi từ hệ thống này. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử" - Trưởng Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh Richard Masters.

Bên cạnh đó, nếu Ngoại hạng Anh không sớm trở lại, còn các đội bóng vẫn cố gắng giảm lương các cầu thủ, thì khả năng khối mâu thuẫn này sẽ "phát nổ". Khi ấy, giới cầu thủ và chính các CLB chủ quản sẽ lâm vào một cuộc chiến pháp lý. Bởi nếu cố gắng giảm lương các cầu thủ mà không nhận được sự đồng thuận, các cầu thủ có thể đình công và khi giải đấu trở lại, các CLB sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân sự trong giai đoạn đua nước rút cuối mùa.

Ban tổ chức Premier League thống nhất sẽ chi một khoản tiền khoảng vài triệu USD/đội để "chữa cháy" cho 20 CLB của giải đấu lúc này. Tuy nhiên, số tiền "ít ỏi" trên không thể giải quyết vấn đề khó khăn của các đội bóng gặp phải lúc này.

Minh Đăng/Báo Tin tức
Tương lai tươi sáng cho nhiều giải bóng đá vô địch quốc gia
Tương lai tươi sáng cho nhiều giải bóng đá vô địch quốc gia

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, đặc biệt là tại châu Âu. Tuy nhiên, nhiều giải vô địch quốc gia (VĐQG) quyết tái xuất và Hà Lan là quốc gia đầu tiên công bố thời hạn tái xuất của giải VĐQG Eredivisie.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN