Sau 2 lần tạm hoãn, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA), ban tổ chức các giải Ngoại hạng, Hạng nhất cùng với Hiệp hội Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp (EPA) sẽ phải tính đến giải pháp khả thi nhất để khép lại mùa giải thay vì hủy bỏ để rồi phải nhận lại nhiều hệ lụy khó lường.
Cho đến thời điểm này, lịch dời hoãn các giải đấu ở Anh đến ngày 30/4 vẫn còn hiệu lực nhưng do lệnh phong tỏa quốc gia phải đến ngày 13/4 mới được tạm thời tháo dỡ, các đội bóng xem ra không còn bao nhiêu thời gian để cầu thủ tập luyện trở lại và ra sân thi đấu. Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa thể khẳng định khi nào tình hình có thể ổn định trở lại nên thời điểm để các hoạt động bóng đá tái xuất vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Ban tổ chức Ngoại hạng Anh đang bàn đến phương án tập trung các đội tại một địa điểm an toàn để thi đấu 9 vòng còn lại của mùa giải 2019 - 2020. Kế hoạch được đưa ra mang tên "World Cup-style" và nhiều khả năng khu vực được tập trung thi đấu là miền trung nước Anh và thủ đô London. 92 trận còn lại sẽ diễn ra trong tháng 6 và tháng 7, trong các sân vận động không khán giả.
Số liệu thống kê trong năm qua cho thấy 20 CLB giàu nhất kiếm được tổng cộng 10,6 tỷ USD với 44% đến từ hợp đồng truyền hình, 40% từ các hoạt động thương mại và chỉ có 16% từ tiền bán vé.
Một trong những nguyên nhân quan trọng các đội bóng bằng mọi giá phải đi hết hành trình của mùa giải năm nay là về vấn đề bản quyền truyền hình. Nếu các trận đấu không thể tiếp tục diễn ra, mỗi đội có thể phải trả lại khoảng 750 triệu bảng cho các tập đoàn truyền thông.
Vì thế, phương án trên là để giúp các đội bóng tiếp tục hoàn thành lịch thi đấu, bảo đảm các hợp đồng truyền hình và thương mại, tránh đối mặt với việc hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD doanh thu có thể "bốc hơi".
Phương án này ngày càng nhận nhiều sự ủng hộ. Nó giúp giải quyết nhiều vấn đề như: Kiểm tra y tế thường xuyên phòng COVID-19, giảm rủi ro lây nhiễm từ tác nhân bên ngoài, và hoàn thành trọn vẹn mùa giải.
Chính phủ Anh cũng ngả theo phương án này bởi nó sẽ mang tới "món ăn tinh thần" cho người dân trong lúc cách ly tại nhà do COVID-19.
Việc các môn thể thao tiếp tục diễn ra tại các sân đóng cửa và chỉ phục vụ khán giả truyền hình không phải là ý tưởng tồi trong bối cảnh dịch bệnh dự báo sẽ dần lắng xuống sau 1 - 2 tháng nữa.
Tuy nhiên, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, ngày càng nhiều câu lạc bộ muốn hủy bỏ giải đấu bởi những lý do liên quan đến đạo đức. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, quyết định để cho các trận đấu tiếp tục là một sự xúc phạm: “Trong khi nhiều nạn nhân của COVID-19 đang phải dùng máy thở để níu kéo sự sống thì chúng ta chơi bóng đá”.
"Số phận" Ngoại hạng Anh đặc biệt được chú ý những ngày qua khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Anh vẫn tăng cao. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã nhiễm bệnh, trong đó có cả thái tử Charles và Thủ tướng Boris Johnson.
Phiên họp dự kiến vào ngày 3/4 tới đây của bóng đá Anh nhiều khả năng sẽ quyết định sự sống còn của Ngoại hạng Anh mùa này. Và nó cũng là phát "pháo hiệu" mở màn cho toàn châu Âu trong việc định đoạt số phận của các giải đấu còn đang dang dở.
Trước khi Ngoại hạng Anh bị hoãn vì COVID-19, Liverpool dẫn đầu bảng, với 25 điểm nhiều hơn đội xếp thứ 2 là Man City. Chỉ cần thắng thêm 2 trận nữa, Liverpool sẽ lên ngôi vô địch - điều mà họ chưa làm được suốt 30 năm qua.
Trong khi đó, Chelsea và Arsenal là 2 đội bóng khổ sở nhất vì COVID-19. Việc HLV Mikel Arteta (Arsenal) và tiền vệ Hudson-Odoi (Chelsea) dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến toàn bộ các cầu thủ của hai đội đều phải cách ly. Điều này khiến cả hai đội bóng đều không thể sớm trở lại tập luyện bình thường, dù phần còn lại của mùa giải rất khốc liệt với họ.
Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin nhận định, mùa giải bóng đá châu Âu hiện tại coi như thất bại hoàn toàn. UEFA đang cân nhắc 3 giải pháp để bóng đá trở lại, lần lượt vào giữa tháng 5, giữa tháng 6 hoặc cuối tháng 6, nhiều khả năng sẽ diễn ra hoàn toàn trên sân không có khán giả và mùa giải mới cũng sẽ khai diễn ngay sau khi mùa bóng cũ khép lại.