Trong hai ngày 22 và 23/8, tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Lãnh đạo Tổng cục TDTT cùng một số Trưởng bộ môn đã họp với các đội tuyển vừa tham dự Olympic 2012. Cuộc họp đã chỉ ra những nguyên nhân khiến đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) không có được thành tích tốt tại Olympic Luân Đôn 2012.
Nhìn chung, các liên đoàn, các bộ môn đều cho rằng sự đầu tư cho TTVN trong thời gian qua là chưa tập trung. Ví như VĐV TDDC Phan Thị Hà Thanh không có HLV ngoại; điền kinh tập huấn quá ít; các môn khác như cử tạ, taekwondo, cầu lông, bơi… dù được đi tập huấn nhưng chủ yếu là ngắn ngày và tập “chay” vì không có “quân xanh”. Từ đó dẫn đến hiệu quả tập huấn không như mong muốn. Công tác chuẩn bị, tập huấn của đoàn TTVN lần này vẫn còn khá bị động, việc lựa chọn địa điểm tập huấn, chuyên gia chưa hợp lý.
“Ngành thể thao phải coi đó là bài học để rút kinh nghiệm, phải cảnh giác để không mắc phải. Với tư cách là trưởng đoàn, tôi xin nhận trách nhiệm. Việc không hoàn thành nhiệm vụ phấn đấu có huy chương là một bài học cho các nhà quản lý. Chúng ta còn duy ý chí, dẫn đến sự hời hợt, không chặt chẽ, thiếu tính chuyên nghiệp”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành thừa nhận. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng ngành thể thao cũng đã cố gắng hết khả năng của ngành.
Đánh giá về thất bại ở một số môn, ông Thành cho rằng: “Cử tạ không đạt huy chương là sai sót trong quá trình thi đấu, trong khởi động. Đối với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đứng hạng 4 thế giới cũng đã là một thành tích xuất sắc. Qua Olympic lần này, có thể khẳng định bắn súng là một môn có đủ khả năng có huy chương nên cần phải đầu tư cho kỳ sau. Môn taekwondo có sự hỗ trợ từ Hàn Quốc, nhưng các VĐV vẫn chưa có đủ kinh nghiệm. Và khi đã bị vỡ trận, thì VĐV Việt Nam thua liên tục. Ở môn TDDC có nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là về tâm lý, các VĐV cũng chưa thực hiện đúng các bài mình đã tập luyện”.
Để không mắc phải những sai lầm vừa qua, điều mà TTVN phải làm ngay là xây dựng công tác quy hoạch và đầu tư trọng điểm. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho rằng, việc đầu tư dài hạn và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học, cũng như những vấn đề liên quan đến huy động nguồn lực, tài lực và vật lực, sẽ được quan tâm hơn nữa. Để có sự đầu tư hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn lực, cần phải có một chiến lược bài bản.
TTVN sẽ xác định rõ môn nào và những VĐV cụ thể được đầu tư dài hạn, không chỉ cho Olympic 2016 mà cả 2020. Ngoài ra, trong nhiều năm trở lại đây, lứa VĐV kế cận đang thiếu hụt nghiêm trọng. Chính vì thế, ngành thể thao phải rà soát lại toàn bộ, quy hoạch các tuyến kế cận, các tài năng để mang lại thành tích cao hơn. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về tầm nhìn Olympic nhằm xây dựng tầm nhìn đủ rộng cho sự phát triển thể thao trong nhiều năm tới.
Lâm Lâm