Trong tuyên bố đưa ra tại Tokyo, Chủ tịch IPC Parsons khẳng định 18 tháng qua là giai đoạn khó khăn bởi có quá nhiều điều không chắc chắn sau khi Paralympic Tokyo phải hoãn lại, trong đó có việc làm thế nào để có thể tổ chức sự kiện này một cách an toàn, cũng như tin tưởng vào sự tham gia của các vận động viên trên khắp thế giới. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản đã liên tục lập mốc cao kỷ lục sau khi số ca mắc mới lần đầu tiên vượt mốc 20.000 ca hôm 13/6. Do đó, theo ông Parsons, ông thường xuyên nhận được những câu hỏi về việc liệu Paralympic Tokyo 2020 có thể diễn ra an toàn.
Tuy nhiên, Chủ tịch IPC khẳng định câu trả lời hiện nay là “có” vì nếu không tin tưởng Paralympic Tokyo diễn ra an toàn, thì ông cũng như các đoàn vận động viên khác đã không có mặt tại Nhật Bản.
Trước những lo ngại về tình hình dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Tokyo 2020 (TOCOG) Seiko Hashimoto nêu rõ nước chủ nhà sẽ áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Theo đó, Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với Paralympic so với Olympic, trong đó có việc tăng cường hệ thống xét nghiệm. Các đoàn thể thao nước ngoài sẽ cùng phải tuân thủ các quy định dù đã qua thời gian cách ly 14 ngày.
Theo kế hoạch, lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra vào tối 24/8. Có tổng cộng 162 đoàn thể thao trên thế giới sẽ tham dự Paralympic Tokyo 2020, cao hơn 3 đoàn so với kỳ Paralympic năm 2016, diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil). Đây là lần thứ 2 đoàn Paralympic người tị nạn tham gia tranh tài, trong khi có 5 nước lần đầu tiên tham dự gồm Bhutan, Grenada, Maldives, Paraguay, St Vincent và Grenadines. Tuy nhiên, có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ không thể tham dự Paralympic Tokyo do các vấn đề về đi lại cùng một số lý do khác.