Bệ phóng của bóng đá Nhật Bản

Việc đội tuyển Nhật Bản vừa lần thứ 5 liên tiếp giành vé tham dự vòng chung kết World Cup, đã một lần nữa khẳng định vị thế vững chắc của bóng đá xứ sở mặt trời mọc ở đấu trường đỉnh cao thế giới. Thành công này càng khiến các nhà làm bóng đá Việt Nam chắc chắn hơn vào con đường vừa chọn: Sau hơn 10 năm chật vật tìm hướng đi và không thu lại nhiều hiệu quả, lãnh đạo ngành thể dục thể thao Việt Nam mới đây đã xác định sẽ học hỏi mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp của Nhật Bản.


Vậy, bóng đá Nhật đã xây dựng "bệ phóng" ra sao?


Khai thác hiệu quả năng lực các ngôi sao


Chiều 4/6 vừa qua, khi dự khán trận U23 Việt Nam đá giao hữu với CLB Kashima Antlers tại sân Mỹ Đình (Hà Nội), nhiều khán giả Việt Nam đã rất ngạc nhiên về những tiếng hét rất to từ trên tầng 2 của khán đài A (hôm đó, sân chỉ kín tầng 1). Nhìn lên thì thấy duy nhất một cổ động viên Nhật Bản đang phất quốc kỳ. Phải chăng anh chàng này phấn khích vì màn trình diễn của Kashima Antlers?


Các tuyển thủ Nhật Bản hân hoan với chiếc vé tham dự vòng chung kết World Cup 2014. Ảnh: zimbio


Lý do không phải như vậy. Nguyên nhân là cùng thời điểm, tại sân Saitama (Nhật Bản), Keisuke Honda đã bình tĩnh dứt điểm chính xác quả penalty ở phút 90 + 1, gỡ hòa 1 - 1 cho đội tuyển Nhật Bản trong cuộc chạm trán với kình địch Ôxtrâylia. Đó chính là 1 điểm quyết định, giúp thầy trò Alberto Zaccheroni trở thành đội bóng đầu tiên trên thế giới giành quyền tham dự VCK World Cup 2014, ngoại trừ suất đặc cách của chủ nhà Braxin.


Giới truyền thông và người hâm mộ Nhật Bản đang nói về một “Samurai Blue” xuất sắc nhất mọi thời đại. Điều này, có lẽ cần phải chờ Confederations Cup 2013 và World Cup 2014 để có thể khẳng định, nhưng ít nhất, bản lĩnh và sự tiến bộ của các cầu thủ Nhật Bản đã được tất cả nhìn thấy qua hành trình vòng loại với không ít chông gai vừa qua.

Từ đầu năm nay, J - League đã giới thiệu chuyên gia Kazuyoshi Tanabe sang hỗ trợ cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về cách thức tổ chức, quản lý, điều hành các giải đấu và đặc biệt là về cách thu hút đầu tư, tài trợ. Cũng theo thỏa thuận hợp tác giữa VPF và J - League, hai bên sẽ tổ chức những trận đấu, những giải đấu tập huấn cho các lứa tuổi trẻ cấp CLB. Các CLB Việt Nam, các đội tuyển Việt Nam được khuyến khích hợp tác, thi đấu giao hữu với các CLB Nhật Bản. Các trận U23 Việt Nam - Kashima Antlers hay trận Becamex Bình Dương - Kawasaki Frontale mới đây, chính là những viên gạch đầu tiên trong kế hoạch “hướng về phía mặt trời” của bóng đá Việt Nam.


Dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia người Italia, Zaccheroni, đội tuyển Nhật Bản hiện nay được xây dựng với hạt nhân là các cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu tại World Cup 2010. Ở đó, dấu ấn về chiến thuật của “Zac” đã được thấy rõ. Ví dụ điển hình là vị trí thi đấu của Honda: Được xếp đá trung phong dưới thời cựu HLV Takeshi Okada trên đất Nam Phi cách đây 3 năm, nay cầu thủ của CSKA Moscow đã quay trở lại và tỏa sáng trong vai trò tiền vệ sáng tạo. Sơ đồ 4 - 2 - 3 - 1 mà Zaccheroni đang áp dụng, cũng là một lối chơi hiện đại và đặc biệt là cho phép khai thác năng lực của tất cả những ngôi sao nổi bật nhất của thế hệ cầu thủ Nhật Bản hiện nay.

 

Nền tảng vững chắc


Thuận lợi cho Zaccheroni là phần lớn các tuyển thủ Nhật Bản đều đang chơi bóng ở châu Âu, tức là đã có kinh nghiệm ở môi trường đỉnh cao thế giới. Các đối thủ châu Á nhìn vào “Samurai Blue” hiện nay mà thèm: Trong danh sách 23 cầu thủ Nhật Bản được triệu tập cho Confederations Cup 2013 (từ 15 - 30/6, tại Braxin), có tới 14 người đang chơi bóng ở châu Âu. Ngoài Honda, thế hệ đang lên này của bóng đá xứ Phù tang còn có Shinji Kagawa (Manchester United), Yuto Nagatomo (Inter Milan), Atsuto Uchida (Schalke), Makoto Hasebe (Wolfsburg)... Họ áp đảo sân chơi châu Á cũng không có gì lạ.


Đội hình gồm đa phần “lính lê dương” này cũng thể hiện phương thức đúng đắn, nhằm nâng cao chất lượng cho ĐTQG của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA). Họ luôn tạo điều kiện tối đa cho các tài năng trẻ triển vọng được ra nước ngoài thi đấu, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, để cuối cùng, sức mạnh và sự cạnh tranh trong ĐTQG đang ngày càng tăng.


Nhưng không phải các cầu thủ Nhật Bản đến bất cứ đâu tại châu Âu để học hỏi, mà họ có đích đến hết sức rõ ràng. Đó là Đức, với giải Bundesliga đang ngày càng được đánh giá cao về chất lượng và tính hấp dẫn. Trong số 14 “ngoại binh” của đội tuyển Nhật Bản hiện nay, có tới 8 cầu thủ đang khoác áo các CLB Bundesliga.


Tất nhiên, bóng đá Nhật Bản có được sức bật như vậy còn là nhờ J - League. Mới chỉ được thành lập cách đây đúng 20 năm, nhưng giải vô địch chuyên nghiệp Nhật Bản giờ đã được đánh giá cao nhất châu Á về chất lượng. Nhờ sức lôi cuốn từ J - League, người dân Nhật ngày càng quan tâm hơn tới bóng đá, tới ĐTQG. Phong trào chơi bóng đá cũng đang nở rộ tại đất nước mặt trời mọc, bắt đầu từ những lứa tuổi nhỏ nhất, tạo nên một nền tảng vững chắc cho nhiều năm kế tiếp.


Kể từ sau thất bại trong trận cuối cùng của vòng loại World Cup 1994, đội tuyển Nhật Bản đã không bỏ lỡ bất cứ VCK World Cup nào nữa. Vòng loại World Cup 2014 cũng là một sự lặp lại của vòng loại trước đó 4 năm, khi Nhật Bản luôn là đội tuyển đầu tiên trên thế giới giành vé tới VCK. Tại sân chơi châu Á, Nhật Bản hiện cũng đang giữ kỷ lục 4 lần vô địch AFC Asian Cup, trong đó có 3 lần kể từ năm 2000 trở lại đây. Bỏ công gieo hạt, nay đến ngày hái quả!



Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN