Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (trái) mang về tấm Huy chương thứ hai cho thể thao Việt Nam tại Olympic Rio ngày 10/8. Đứng giữa là nhà vô địch Jin Jong-oh và bên phải là vận động viên Kim Song Guk. Ảnh: THX/ TTXVN |
Với thành tích 191,3 điểm trong 20 lượt bắn, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ngày 10/8 đã giành Huy chương Bạc tại chung kết nội dung 50m súng ngắn bắn chậm nam tại Đại hội thể thao thế giới (Olympic) 2016. Trước đó, xạ thủ Xuân Vinh cũng đã xuất sắc giành tấm Huy chương Vàng.
Trò chuyện với phóng viên TTXVN tác nghiệp tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), Hoàng Xuân Vinh chia sẻ: “Tôi đã có may mắn được tập cùng và theo dõi các vận động viên (VĐV) xuất sắc của thế giới thi đấu. Từ đấy thầy trò chúng tôi đã rút ra được nhiều điểm mà VĐV Việt Nam chưa làm được, chẳng hạn như phong cách tập luyện hay tư duy, rồi tư duy để có trạng thái tâm lý tốt.
Chúng tôi đã trao đổi với nhau để một phần nào đó tìm ra bí quyết mà các HLV nước ngoài đã áp dụng để huấn luyện với những VĐV xuất sắc. Tất nhiên là chỉ nhìn nhận thôi chứ không phải mình trao đổi trực tiếp với người ta.
Ngoài ra thành tích mà tôi có được một phần là nhờ may mắn, vì trong thể thao không thể thiếu được may mắn. Chẳng hạn khi tôi tham dự một giải đấu có rất nhiều VĐV xuất sắc, từng vô địch Olympic hoặc vô địch thế giới, nhưng có thể ở một thời điểm nào đấy thì mình lại phát huy được tốt nhất khả năng của mình.
Ví dụ như lúc đi tập huấn thì các công việc khác hầu như tôi không quan tâm nhiều, tận dụng triệt để thời gian tập huấn để tập luyện một cách tốt nhất, tập trung tới mức như đi đánh trận vậy. Và quan trọng nhất là chấp hành kỷ luật của giáo án, kỷ luật của phương pháp huấn luyện”.
Về sự quan trọng của việc chấp hành kỷ luật chiến thuật, Xuân Vinh nói: “Chiến thuật là do huấn luyện viên (HLV) đề ra và nếu VĐV muốn phát huy tốt nhất năng lực của mình để giành thành tích thì phải chấp hành nghiêm khắc yêu cầu của HLV. Kết quả thi đấu có sự tác động rất lớn của yếu tố tâm lý, nếu mình tùy tiện khi thực hiện một động tác thì sẽ dẫn đến hậu quả không tốt.
Thi đấu bắn súng không có nghĩa là chỉ bắn 1, 2 viên mà phải duy trì trạng thái tâm lý để bắn 80 viên, hoặc thậm chí nếu thi đấu chung kết sẽ là hơn 100 viên. Rõ ràng một hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần và lại yêu cầu độ chính xác như thế nên yêu cầu tính kỷ luật rất cao, kỷ luật trong lúc bắn, kỷ luật lúc tập luyện.
Thi đấu bắn súng cũng đòi hỏi sự nghiêm túc rất cao, bởi bản chất của con người là luôn muốn làm cái dễ mà bỏ cái khó, nên bản thân VĐV thi đấu và cả HLV chỉ đạo đều phải giám sát VĐV khi thực hiện việc khó. Vì thế, HLV và VĐV phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tức là việc chấp hành kỷ luật đấu pháp của HLV có ý nghĩa rất quan trọng với VĐV bắn súng”.